“Trụ đỡ” thúc đẩy an sinh xã hội ở Quảng Ninh

30/07/2024
(VBSP News) Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn Quảng Ninh. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
quang ninh

NHCSXH giải ngân vốn vay cho người dân trên địa bàn huyện Tiên Yên

Quyết tâm chính trị cao
Ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Chẽ Bùi Văn Lưu cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước với người dân được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm và thường xuyên tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng. Các mô hình sản xuất, kinh doanh tốt, các điển hình sử dụng vốn hiệu quả được MTTQ và các đoàn thể phối hợp với cơ quan báo chí thông tin rộng rãi nhằm nhân rộng, phổ biến giúp người nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư vốn vay hiệu quả, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực, cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, từ khi Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW, tín dụng chính sách càng được quan tâm nhiều hơn. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, nguồn vốn bố trí tăng 712 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng nguồn vốn luỹ kế đến 30/6/2024 (1.195 tỷ đồng). MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội thông qua mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng phương thức cho vay ủy thác, với bộ máy tổ chức hoạt động rộng khắp các thôn, khu phố. Toàn tỉnh hiện có 2.132 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản; thiết lập được mạng lưới 174 điểm giao dịch tại 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, tỉnh chỉ đạo NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường, cũng như từ các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn. Quan tâm xây dựng, lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng giai đoạn (giai đoạn 2016 -2020; giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030).
Cụ thể là xây dựng cơ chế cho vay hỗ trợ phát triển HTX; cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ 100% lãi suất đối với người dân ra sinh sống lâu dài tại Đảo Trần (huyện Cô Tô); hỗ trợ cho vay xây nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015; cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề trong thực hiện chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công; cho vay giải quyết việc làm nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; cho vay đối với chủ rừng tham gia phát triển trồng rừng gỗ lớn và cây bản địa; cho vay giảm nghèo theo chuẩn nghèo địa phương.
Ngoài ra, hằng năm tỉnh đều bố trí nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm theo chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đăng Kiệm cho biết, tính đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh đạt 1.195,1 tỷ đồng, chiếm 24% tổng nguồn, tăng gấp 31,9 lần so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 1.066,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện 128,5 tỷ đồng.
Thu hoạch trái ngọt

quang ninh 2

Ông Hoàng Văn Hải ở khu 5, thị trấn Cái Rồng phát triển bền vững nghề nuôi biển từ nguồn vốn chính sách

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 16.149 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng này đã hỗ trợ cho hơn 600.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, người lao động được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, xây mới và sửa chữa nhà cửa; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; tạo việc làm, học tập… Tổng dư nợ đến 30/6/2024 đạt 4.906,18 tỷ đồng, tăng 3.259,7 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (năm 2014). Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,8%, với 74.123 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, dư nợ bình quân hơn 66 triệu đồng/hộ, tăng 44,8 triệu đồng so với năm 2014.
Dòng vốn tín dụng chính sách luôn “chảy đều” đã đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, gia đình chính sách, người dân, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện thành công các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từng giai đoạn.
Huyện Vân Đồn - địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh có số lượng phao xốp chuyển đổi sang phao nhựa HDPE chiếm đến 90% toàn tỉnh. 2 năm trước, các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đều bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hàu rớt giá sâu, bà con thiếu vốn để tái đầu tư và thay thế phao xốp. Trước tình hình đó, NHCSXH huyện Vân Đồn đã tập trung hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm. Thủ tục vay đơn giản, không phải thế chấp, giúp hàng trăm hộ gia đình được tiếp thêm nguồn lực vượt qua khó khăn phát triển bền vững nghề nuôi biển.
Ông Hoàng Văn Hải ở khu 5, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết: Khi thực hiện chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE, gia đình tôi rất khó khăn. Tuy nhiên việc tiếp cận được nguồn vốn của NHCSXH thực sự là cứu cánh cho người dân chúng tôi. Vay được vốn, gia đình tôi đã tiến hành thay toàn bộ phao xốp sang phao nhựa; đồng thời đầu tư mua giống, thuê nhân công để bắt tay vào nuôi vụ mới. Giờ đây khi đã chuyển đổi thành công, mô hình nuôi trồng của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, mang lại hiệu quả.
Từng là vùng lõi nghèo của tỉnh với 7/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện Ba Chẽ giờ đang từng bước đổi thay mạnh mẽ. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Những con đường bê tông trải dài vào các thôn xóm, bản làng; hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, khu dân cư đã được nâng cấp khang trang. Nhờ dòng vốn tín dụng chính sách phủ rộng đã và đang góp phần mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây. Đến năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, 56/98 xã đã hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 28 xã hoàn thành các tiêu chí/chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4/7 huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí/chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên và Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.
Một trong những chuyển biến rõ nét trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người dân. Những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng đã biết vươn lên để tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất và có cuộc sống khấm khá hơn. Giai đoạn 2011 - 2015, hộ nghèo của tỉnh giảm từ 7,68% xuống còn 1,35%; giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 4,56% cuối năm 2015 xuống còn 0,23% vào cuối năm 2020.
Hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương và đã xây dựng mức chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2023 - 2025) cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập; hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát. 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt 67,17%. Thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân của cả nước).
Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Qua đó, đã tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tạo sự gắn kết toàn đảng, toàn dân.

Bài và ảnh Kim Chung

Các tin bài khác