Mang nguồn vốn chính sách đến với người nghèo vùng núi Ấn sông Trà
Cách đây 10 năm về trước, cuộc sống của người dân thôn Trung, xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng rất gian nan, thiếu thốn, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách, bộ mặt của làng quê và cuộc sống của đồng bào dân tộc Cor đã thay đổi toàn diện.
Gia đình anh Hồ Văn Lách thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, cộng thêm nguồn vốn hỗ trợ xây nhà ở của Chương trình giảm nghèo bền vững, gia đình anh dựng được chuồng trại rộng rãi, trồng nhiều cỏ cho bò ăn, đến nay gia đình đã có cơ ngơi khang trang gồm 6 con bò mẹ lẫn bê con, cùng 2ha cây keo xanh tốt, xây được cả căn nhà mới kiên cố và đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Theo Chủ tịch UBND xã Trà Sơn Đinh Văn Phong, một trong những lý do giúp người dân xã Trà Sơn thoát khỏi cái nghèo, vươn lên xây dựng kinh tế là do đồng vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời của NHCSXH. Cùng với việc dẫn nước về đồng ruộng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã làm “đòn bẩy” để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Không chỉ đồng bào DTTS xã Trà Sơn thay đổi cuộc sống mà người nghèo ở bất cứ đâu trên địa bàn tỉnh đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn ưu đãi đã phủ kín vùng đất “núi Ấn, sông Trà” rộng lớn 5.155km² với 100% hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 7,8% đã giảm xuống còn 6,13% vào cuối năm 2023. Đến nay, các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long được công nhận ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết: Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở tỉnh Quảng Ngãi đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn vào cuộc tích cực, huy động mọi nguồn lực tài chính, tập trung huy động các nguồn vốn chính sách để giúp dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Ngành tài chính đã căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, tham mưu đúng và kịp thời giúp chính quyền từ tỉnh đến huyện, ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang NHCSXH, tăng thêm thế và lực hoạt động, nhất là chủ động được nguồn vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách do UBND tỉnh và 13 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ủy thác sang NHCSXH đạt 464,4 tỷ đồng, tăng 411,4 tỷ đồng so với năm 2014, góp phần nâng tâng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đến 30/6/2024 lên 5.579 tỷ đồng, tăng 3.267 tỷ đồng so với 10 năm trước. Tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn cũng đạt gần 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Cùng với việc tiếp nhận, huy động, tạo lập nguồn vốn lớn, chi nhánh đã kiên trì, năng động công việc thực hiện quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách. Với trình độ cao, tận tâm với nghề và người nghèo, đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách đã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn để thực hiện cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Từ đó, giúp NHCSXH nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng đối tượng thụ hưởng, giảm thời gian đi lại, tạo lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh đó, các cán bộ điều hành NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên đi cơ sở, trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân thu nợ, thu lãi vốn vay và tham gia “3 cùng” với cán bộ tín dụng cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể địa phương, cùng sẻ chia, đồng hành với người dân, qua đó giúp các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị, NHCSXH là một trong số đơn vị luôn làm tròn nhiệm vụ tiên phong, góp phần đắc lực thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ cho 306.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền đạt 10.915 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho 61.481 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 7073 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 46,351 lao động được tạo việc làm từ Qũy quốc gia về việc làm; đầu tư xây dựng 162.664 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 4.528 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…
Những con số trên đã minh chứng cho hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, được coi là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng thụ hưởng, đầu tư trực tiếp, hiệu quả các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, chung sức tạo đà trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Bình Sơn thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Tiền Giang
- » Tỉnh uỷ Tuyên Quang tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW
- » Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Tuyên Quang
- » Tín dụng chính sách sát cánh cùng người dân Tuyên Quang
- » 10 năm qua ở Sóc Trăng có hơn 739.000 lượt hộ nghèo được vay vốn
- » Chỉ thị số 40-CT/TW ở Sóc Trăng: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân
- » Thành uỷ Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW