Trà Vinh phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện tín dụng chính sách

30/07/2024
(VBSP News) Mặc dù chỉ là một quãng ngắn trong dòng chảy triển khai các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, song, Chỉ thị số 40/CT-TW đã mang đến bước đột phá mới cho tín dụng chính sách, khi đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là điểm tựa để tỉnh Trà Vinh hướng đến mục tiêu gần nhất là đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025.
2M8A1917

Bà Diệp Thị Trang (giữa) chia sẻ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với cán bộ NHCSXH huyện Trà Cú

Về xã Đại An, huyện Trà Cú nơi có 71,5% là đồng bào Khơ me sinh sống hôm nay, dấu tích của một xã đặc biệt khó khăn trong Chương trình 135 (Quyết định số 2405/QĐ-TTg) đã phai mờ. Thay vào đó, là một Đại An tràn đầy sức sống và tiềm năng từ việc phát huy lợi thế kinh tế gắn biển,… Ngay cả ấp Cây Da, một trong 2 ấp giữ lại để tiếp tục được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 sau khi Đại An ra khỏi danh sách năm 2015 cũng đã thay da đổi thịt kể từ khi Chỉ thị số 40/CT-TW “thẩm thấu” qua nhiều kênh tuyên truyền đi vào đời sống.
Như chủ trương đưa Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Chủ tịch UBND xã Đại An Nguyễn Trường Tam cho biết: Từ khi được tham gia thành viên là Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, bản thân ông luôn xác định là đó là một trách nhiệm rất quan trọng, từ đó, chỉ đạo, quan tâm tuyên truyền các chính sách, chủ trương pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách tín dụng trên địa bàn để cho bà con nắm, tiếp cận các nguồn vốn gắn với các định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của xã để sản xuất chăn nuôi, đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, để chính sách đi sâu vào cuộc sống, xã đã tuyên truyền vận động người uy tín tham gia vào công tác tuyên truyền, động viên các bà con người dân tộc chia sẻ giúp nhau làm ăn trong kinh tế. Trong đó, có 2 Sư cả trụ trì hai chùa Nam Tông Khmer trên địa bàn xã.
Ông Trần Kẹo - Trưởng Ban Quản trị chùa Giồng Lớn ở ấp Cây Da, xã Đại An cho biết: “Trước đây, khó khăn nhất với đời sống của phật tử tại địa phương là vốn. Vì vậy, cùng với việc vận động phật tử chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, chúng tôi phối hợp với Đảng ủy, UBND xã và NHCSXH tuyên truyền cho bà con các chủ trương, chính sách, chương trình vay vốn. Đặc biệt vào ngày Rằm và 30 hằng tháng, phật tử đến chùa khoảng trên 300 người, việc tuyên truyền các chính sách, các gương thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách đã giúp bà con mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hay xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động. Bà con phật tử của chùa Giồng Lớn, ấp Cây Da, cũng như là xã Đại An rất vui mừng, phấn khởi được NHCSXH hỗ trợ vốn để tạo công ăn việc làm, từ đó gia đình đời sống rất là ổn định”.
Chỉ cho chúng tôi căn nhà lá tầm vông và cột tre mục nát, ông Sơn Quang Minh ở ấp Cây Da cho biết đó là căn nhà của gia đình ông ở khi còn là hộ nghèo. Rồi nhờ chính quyền địa phương, NHCSXH hỗ trợ vay vốn chương trình hộ nghèo số tiền 8 triệu đồng, gia đình mua được con bò cái. Đến khi bò cái đẻ một cặp, ông nuôi thêm 1 năm. Sau đó, ông bán đi một phần trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay 25 triệu đồng để nuôi thêm một con bò cái nữa, còn lại tích lũy. Ông Minh chia sẻ: Nhờ có cặp bò mà làm ăn hết khó khăn nên phần nào lo được việc học hành, cất nhà ở cho con cái, rồi dành dụm mua xe máy, xe đạp điện cho con đi làm, đi học.
“Chính sách tín dụng của Nhà nước là ưu đãi cho người dân tộc lắm, cho vay vốn, lấy lãi nhẹ rồi cho dân gửi tiết kiệm trả từ từ, không như ở ngoài, lãi nặng lắm. Tôi coi trong tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn của tôi, đều vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH, hiện thành hộ khá giả được 70 - 80%. Bây giờ, có vốn của Nhà nước hỗ trợ cho làm ăn, chăn nuôi, hộ nào hộ nấy cũng siêng năng, chăm chỉ, ý thức làm ăn”, ông Minh tâm sự thêm.
Hiệu ứng thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thêm lan tỏa khi mỗi người dân đều có thể trở thành một người “dẫn lửa” cho tín dụng chính sách. Như bà Diệp Thị Trang ở ấp Giồng Đình, xã Đại An, nhận thấy sản phẩm đồ dùng nông thôn bằng tre, trúc truyền thống làm vất vả, vốn lại nhiều mà đầu ra ngày càng bó hẹp trước sự cạnh tranh của đồ nhựa, bà đã là người tiên phong chuyển đổi các sản phẩm này thành những mô hình thu nhỏ làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Đồng thời, mở lớp truyền nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ cho bà con trong ấp.
Khó khăn nhất của chị em trước đây là giá thành mua nguyên liệu cao, vì vậy, cùng với việc dạy nghề tạo việc làm trong vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, bà Trang đã vận động chị em vay vốn chính sách để tăng gia sản xuất, đan lát có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Đến nay, cơ sở đan lát của bà có tới 87 chị em tham gia, trong đó có 52 chị em vay vốn NHCSXH. Tất cả các sản phẩm do chị em sản xuất đều được bao tiêu.
Năm 2020, bộ sản phẩm đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang đạt giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh - lần thứ V và  được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh chuẩn 03 sao. Song với bà niềm hạnh phúc hơn cả là tạo được việc làm cho những người dân quê lúc nông nhàn góp phần gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống. Thu nhập bình quân trong cơ sở từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, làm thạo là 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, không làm thạo cũng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. “Tôi rất hạnh phúc vì được tổ viên được vay vốn NHCSXH làm đan lát, tăng gia sản xuất bây giờ vươn lên hết rồi, thoát nghèo hết rồi”, bà Trang tâm sự.
Chị Nhan Thị Nê - thành viên cơ sở sản xuất của bà Trang cho biết: “Hồi lúc trước khó khăn quá vì không có vốn. Muốn đan cái gì thì chỉ ra mua đủ nguyên liệu đan cái đó mà cũng toàn nợ. Tôi được chị Trang giới thiệu vào Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mình có vốn, đi mua trả tiền trước, không sợ thiếu nợ, thấy thoải mái hơn. Thậm chí có tiền họ chở tre trúc vào tận nhà, mình đan lát cũng được nhiều hơn, mỗi tháng thu được 5 - 6 triệu đồng”.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ cá nhân bà Diệp Thị Trang đến các Sư cả cùng chính quyền địa phương đã đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống. Trong 10 năm qua, doanh số cho vay tại xã Đại An đạt 82,074 tỷ đồng cho 4.476 hộ vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 11,37% xuống còn 2,09%, thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm. Những thành quả này góp phần đưa Đại An vươn lên hoàn thành nông thôn mới vào năm 2019, nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và năm 2024 này là mục tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại An là một minh chứng sống động về việc Chị thị số 40-CT/TW đã thấm sâu vào cuộc sống ở Trà Vinh. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm hơn và quan tâm nâng cao chất lượng thực hiện tín dụng chính sách, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng chính sách thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm (2021 - 2025); không chỉ lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các Chương trình mục tiêu quốc gia mà còn với lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các Nghị quyết Đại hội.
Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều cơ chế chính sách và nhiều văn bản để tập trung các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chuyển sang NHCSXH; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2024, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đã cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH với số tiền 546,63 tỷ đồng, tăng gấp 13,4 lần so với trước khi Chỉ thị số 40-CT/TW, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 587,42 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh 485,91 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện 101,51 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn Trung ương và địa phương giao NHCSXH tỉnh thực hiện quản lý đạt 4.558 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,6%/năm.
Đây là nền tảng để 10 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đưa nguồn vốn ưu đãi đến cho 413.942 hộ, với doanh số cho vay đạt 8.705,4 tỷ đồng. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại chi nhánh đạt 4.568,93 tỷ đồng, với 129.392 hộ còn dư nợ. Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 09/09 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,19%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,35%; thu nhập bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng.
Thời gian tới, Tỉnh ủy Trà Vinh sẽ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, thực hiện rà soát các Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cơ chế tín dụng chính sách đã ban hành, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình có liên quan đến tín dụng chính sách trong phạm vi, lĩnh vực quản lý; tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Các tin bài khác