Trao “cần câu” cho người nghèo ở Sa Thầy
Để kiểm chứng từ các chương trình, chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, chúng tôi gặp anh Klanh, làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy. Không giấu giếm, anh Klanh phấn khởi khoe: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo và được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi mua 1 con bò và mua phân bón chăm sóc 1ha cà phê, 1ha mì. Bò được gia đình chăn dắt, chăm sóc tốt đã sinh một con bê; vườn cà phê, mì có phân bón, sinh trưởng tốt. Năm vừa qua, gia đình thu gần 100 triệu đồng từ cà phê, mì”.
Thấy được hiệu quả trong phát triển kinh tế, năm 2022, NHCSXH huyện tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình anh Klanh vay 40 triệu đồng làm nhà. Từ số tiền vay cùng với nguồn vốn tích lũy qua các nguồn thu từ sản phẩm nông nghiệp, gia đình anh Klanh đầu tư 150 triệu đồng xây dựng căn nhà kiên cố. Và cũng trong năm qua, gia đình anh Klanh thoát nghèo.
Đến làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, chúng tôi gặp chị Y Ri đang chăm sóc vườn cao su. Trao đổi về vay vốn phát triển kinh tế, chị Y thật lòng: “Trước đây, gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2016, gia đình mình vay NHCSXH 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản. Bò được gia đình chăm sóc chu đáo, sớm sinh sản 2 con bê và lớn nhanh. Và để có đất sản xuất, gia đình mình bán bò mua 1,5ha đất, sau đó đầu tư trồng 1ha cao su, còn lại 0,5ha trồng mì”.
Việc sản xuất hiệu quả và chi tiêu hợp lý, gia đình chị Y Ri từng bước trả vốn vay ban đầu. Không dừng lại, gia đình chị lại tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để thâm canh cây trồng và mua 1ha đất mở rộng trồng mì. Có vốn đầu tư, lại được huyện tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su, thâm canh mì, lúa nếp. Năm 2019, gia đình chị chính thức thoát khỏi hộ nghèo.
Ba năm trở lại đây, khi cây cao su đi vào kinh doanh, bình quân mỗi ngày, gia đình chị thu khoảng 350 nghìn đồng từ bán mủ cao su. Còn trên diện tích đất trồng mì, bình quân mỗi năm chị thu khoảng 75 - 80 triệu đồng từ bán củ mì. Gia đình chị còn thâm canh 1 sào ruộng lúa nếp (năng suất lúa bình quân 6 tạ/sào), luôn đảm bảo gạo nếp nấu ăn quanh năm, không phải mua thêm.
Anh Lê Văn Biết - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sa Thầy chia sẻ, thông qua các nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH ủy thác cho hội viên vay phát triển kinh tế, giảm nghèo, cùng với cuộc vận động giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học vào sản xuất từ các chương trình khuyến nông, cuộc sống của người dân trên địa bàn ngày càng thay đổi. Theo đó, nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn của để, đời ngày càng ổn định và phát triển.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phan Văn Tân, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng giao dịch huyện tập trung nguồn lực để cấp vốn tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển kinh tế; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất; cho vay các hộ gặp khó khăn đột xuất về tài chính theo Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn huyện; tham mưu Ban đại điện HĐQT NHCSXH huyện kịp thời triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030 trên địa bàn huyện.
Đến hết năm 2022, NHCSXH huyện có tổng dư nợ đạt trên 480 tỷ đồng với 8.645 khách hàng còn dư nợ. Việc bình xét cho vay luôn được công khai dân chủ có sự giám sát của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nên việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay.
Từ nguồn vốn cho vay, các hộ vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, góp phần tăng cơ học đàn trâu, bò, heo 370 con; trồng mới, chăm sóc 4.520ha cao su, cà phê, bời lời và các cây lâu năm khác; xây dựng, sửa chữa được 787 công trình nước sạch vệ sinh ở nông thôn; xây dựng, sửa chữa cho 37 căn nhà ở. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đến cuối năm 2022 xuống còn 3,16% (giảm 6,81% so với đầu năm).
Có thể khẳng định, thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng, NHCSXH huyện thực sự giúp người nghèo và các đối tượng chính sách “cần câu”, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên
Các tin bài khác
- » Ninh Thuận phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách mở lối thoát nghèo
- » Gian nan tìm kế mưu sinh
- » Giảm nghèo - bài toán phải có lời giải
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Đòn bẩy kinh tế nhà nước ở Phú Yên
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Tiếp sức cho Tân Kỳ giảm nghèo bền vững
- » Đồng Tháp phối hợp tuyên truyền, phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội
- » Hiệu quả của mô hình kinh tế nông hộ giúp giảm nghèo bền vững ở Đô Lương