Gian nan tìm kế mưu sinh

27/04/2023
(VBSP News) Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị xã; trong đó, 4 huyện được xếp vào diện nghèo cùng với 74 huyện nghèo nhất cả nước. Cả 4 huyện đều có địa hình hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt và mặt bằng dân trí thấp. Bởi thế, dù cấp ủy, chính quyền và người dân nỗ lực bao nhiêu, quyết tâm cao thế nào thì con đường giảm nghèo của đồng bào vẫn vô cùng gian nan…
Anh 1

Công cuộc giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An vô cùng khó khăn

Nhọc nhằn Mỹ Lý
Hơn 1 giờ đồng hồ ngược dòng Nậm Nơn, huyện Kỳ Sơn đến với xã Mỹ Lý trong cái nắng cuối xuân 38 độ, chúng tôi nếm trải đủ mọi phương tiện: Ô tô có, xe máy có, thuyền có và cả leo bộ hàng km cũng có. Thời tiết oi bức và cung đường gập ghềnh sỏi đá, bụi mù mùa nắng, dẻo quánh mùa mưa khiến những “thổ dân” cũng ướt đầm lưng áo và thở không ra hơi… Điểm sơ như vậy để thấy, vì sao Mỹ Lý nghèo, còn khó khăn như vậy.
Chủ tịch UBND xã Lương Văn Bảy cho biết: Mỹ Lý có 8 bản người Thái, 3 bản người Mông và 1 bản người Khơ Mú cùng sinh sống. Trong đó, mới chỉ 3 bản có điện lưới quốc gia; 6/6 bản được hòa mạng internet với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là 57,89%, tương đương 715 hộ. Đồng bào ở đây chủ yếu trông vào cây ngô, sắn, chăn nuôi trâu, bò và trồng xoan, keo, cây gỗ lát; thu nhập bình quân hơn 19 triệu đồng/người/năm.
“Đồng bào khó khăn lắm! Chúng tôi đã thử chuyển đổi trồng bí xanh, trồng gừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và nuôi cá trên lòng sông… nhưng hầu như không thành công, bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được; cá thì đến mùa mưa, nước đầu nguồn đổ về cuốn trôi hết. Đất bằng ít, đất dốc nhiều nên trồng cây gì cũng khó. Cuối cùng chỉ còn nuôi trâu bò là trụ lâu được nhưng mấy năm nay, giá bò giảm mạnh. Nếu 2 năm trước 1 con bò bán được 22 triệu đồng thì nay chỉ còn 15 - 16 triệu đồng/con, bà con đã vất lại càng thêm vất!”, Chủ tịch Nguyễn Văn Bảy tâm sự.
Quả thật, Mỹ Lý chưa từng thôi cố gắng. Cứ nhìn cái cách người dân tự chế lấy điện từ các tua bin nước trên lòng Nậm Nơn để lấy chút ánh sáng khi đêm về; người trẻ phần lớn thì bảo nhau học nghề, đi làm ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc; người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em ở lại tích cực chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, đắp đổi qua ngày…
Cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, xã luôn tìm cách để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân bằng cách chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi. Mỹ Lý đang phục hồi và xây dựng một làng nghề thổ cẩm truyền thống ở bản Yên Hòa, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng; hy vọng với vẻ đẹp ban sơ của dòng Nậm Nơn; với sự chân chất, mến khách của đồng bào, sẽ đưa Mỹ Lý trở thành điểm hẹn lý tưởng của du khách. Tuy nhiên, chừng nào con đường liên xã, liên bản còn chưa được xây dựng, kết nối, chắc chắn thì chừng đó, Mỹ Lý chưa thể phát triển.
Nỗ lực Cao Sơn, Lĩnh Sơn
So với xã Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn, đời sống người dân xã Cao Sơn và Lĩnh Sơn của huyện Anh Sơn khá hơn rất nhiều. Địa phương này đang nỗ lực phát huy ưu thế nông - lâm - nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch - tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định vị thế tốp đầu các huyện miền núi Nghệ An.
Thực tế 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Anh Sơn luôn đạt 10,4%; thu nhập bình quân đạt 43,7 triệu đồng/người/năm (tăng 2,54 lần). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 15,4% năm 2013 xuống còn 6,34% vào cuối năm 2022 theo tiêu chí mới. Thu ngân sách tăng 3,38 lần. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng 14,84%, lên 33,04%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm 17,91%, còn 29,99%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ tăng 2,5%, lên 37,1%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Anh Sơn cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là hệ thống giao thông, cầu cống, trường học, trạm y tế… Toàn huyện hiện có 14/20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2023 có 16/20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; trong đó, có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Kết quả này cho thấy, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Anh Sơn trên con đường giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phải kể đến sự cố gắng không ngừng của Cao Sơn, Lĩnh Sơn - những địa bàn xã có xuất phát điểm thấp.
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn Hoàng Ngọc Dũng cho biết: Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã đang là 12%, cận nghèo là 8,6%. Cao Sơn đang phấn đấu về đích Nông thôn mới vào cuối năm 2023 và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6,5%. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu, chính sách tín dụng ưu đãi; xã đã xây dựng được 3 trang trại có quy mô sản xuất lớn; số còn lại chủ yếu là làm ăn nhỏ lẻ, chăn nuôi trâu bò, dê và trồng cây chè Gay (giống chè xanh bẻ cả cành) - loại cây cho thu nhập đều đặn hàng ngày của bà con Cao Sơn.
Tại xã Lĩnh Sơn, công cuộc giảm nghèo cũng đang được thực hiện quyết liệt. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 4,9%, tỷ lệ cận nghèo là 5,2%, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thu, đến nay, hướng thoát nghèo của Lĩnh Sơn đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, con đường phía trước còn vô cùng khó khăn. Phần vì do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung; phần vì giá cả trong nước bấp bênh, dịch bệnh, khí hậu gây rủi ro cao cho sản xuất nông nghiệp.
“Chúng tôi đang tích hợp, vận dụng các chương trình, chính sách trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi để lập đề án thoát nghèo cho bà con. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, song, chúng tôi tin Lĩnh Sơn sẽ vượt qua, sẽ phát triển…” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thu khẳng định.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác