Giảm nghèo - bài toán phải có lời giải
Khó khăn chồng chất
Điều dễ nhận thấy ở các huyện miền núi Nghệ An là địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đất sản xuất ít, khí hậu vô cùng khắc nghiệt và trình độ dân trí luôn ở tình trạng không đồng đều. Với từng đó bất cập, đòi hỏi cả người dẫn dắt lẫn người thực thi phải nỗ lực gấp 10 thậm chí vài chục lần trong công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến thời điểm này, nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã được NHCSXH Trung ương cân đối đầy đủ, kịp thời. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhu cầu lớn nhưng đáp ứng không đủ. Để giải quyết vấn đề này, chi nhánhNHCSXH tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án: Huy động nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Trong Đề án đang xây dựng, mỗi năm ngân sách tỉnh chuyển qua 100 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, cấp huyện 20 tỷ đồng) ủy thác để NHCSXH cho vay trong giai đoạn 2023 - 2025, chủ yếu là để cho vay giải quyết việc làm.
Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết, Kỳ Sơn nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất cả nước. Kỳ Sơn có hơn 99% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách rất lớn. Đây cũng là huyện rẻo cao, đường sá đi lại rất khó khăn; địa bàn rộng, nhiều thôn, bản cách trung tâm huyện cả trăm kilomet. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu khó khăn như hiện nay, trong cuộc chiến với sự nghèo nàn, lạc hậu, lãnh đạo huyện chỉ mong sao dân mình đủ ăn, đủ mặc, con em được học hành và được sống trong môi trường, điều kiện an toàn. Còn tất cả những thành tích khác, lãnh đạo và nhân dân Kỳ Sơn chưa dám nghĩ tới.
Hiện nay, Kỳ Sơn phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi trồng trọt, sản xuất bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, khí hậu khắc nghiệt. Trong huyện, hiện có tới 80 bản chưa có điện lưới quốc gia. Hàng năm, huyện chi gần 1 nghìn tỷ đồng chủ yếu cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển hạ tầng; trong khi thu ngân sách huyện chỉ đạt 15 tỷ đồng/năm. Bởi thế, để giúp bà con thoát nghèo, rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành, các doanh nghiệp và quyết tâm của đồng bào. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, các chương trình thuộc Nghị quyết 88/2019/QH14 sẽ là những công cụ đắc lực giúp Kỳ Sơn vượt qua khó khăn.
Còn tại huyện Anh Sơn, cấp ủy, chính quyền huyện cũng đang tích cực triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi), trên tinh thần rà soát các danh mục và lồng ghép các nguồn lực để sử dụng có hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo huyện Anh Sơn cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách, coi đây là công cụ đặc biệt giúp chính quyền và người dân Anh Sơn thực hiện giảm nghèo bền vững.
Luôn bám trụ và đồng hành
Là những cán bộ bám dân, bám bản trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mỗi cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Anh Sơn và Kỳ Sơn nói riêng đều ý thức được trách nhiệm cũng như sứ mệnh thiêng liêng của mình. Bởi thế, các anh chị chấp nhận sống xa gia đình, người thân, bỏ lại phía sau những tiện nghi của đô thị để về với đồng bào.
Tinh thần tận tâm, tận lực của cán bộ NHCSXH đã giúp hơn 10 nghìn hộ dân ở Kỳ Sơn được vay vốn NHCSXH. Riêng năm 2022, có 5.239 hộ nghèo được vay vốn để phát triển sinh kế, 545 hộ vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, 707 hộ được vay làm nhà ở để an tâm lao động sản xuất… Điều này đã góp phần giúp 746 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 59,36% còn 54,36%.
Đại diện NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ thông qua ủy thác toàn huyện Kỳ Sơn là 380 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng 13% so với 2021. Hiện nay, toàn huyện hiện có 275 Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả; chất lượng tín dụng chính sách toàn huyện tăng lên rõ nét.
Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tiếp nguồn lực quan trọng cho hộ dân nghèo ở huyện Kỳ Sơn và Anh Sơn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho hộ gia đình, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện. Đặc biệt, quy mô kinh tế hộ gia đình, các trang trại, gia trại ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm nông sản ngày càng được nâng lên. Đồng thời, tăng cường tính liên kết gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu OCOP, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối tiêu thụ các mặt hàng của địa phương.
Bài và ảnh Thái Bình
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Đòn bẩy kinh tế nhà nước ở Phú Yên
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
- » Tiếp sức cho Tân Kỳ giảm nghèo bền vững
- » Đồng Tháp phối hợp tuyên truyền, phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội
- » Hiệu quả của mô hình kinh tế nông hộ giúp giảm nghèo bền vững ở Đô Lương
- » Đại hội Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Hưng Yên lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
- » Cựu chiến binh phát huy hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn chính sách
- » Đại hội Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Tây Ninh lần thứ VII
- » Tạo động lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí ở các địa phương