Hiệu quả của mô hình kinh tế nông hộ giúp giảm nghèo bền vững ở Đô Lương

25/04/2023
(VBSP News) Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của NHCSXH đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Đô Lương (Nghệ An) có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.
do luong

Người dân huyện Đô Lương nhận giải ngân vốn ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Đến nay, trên địa bàn 33 xã của huyện Đô Lương đã xuát hiện hàng trăm mô hình sinh kế, như: Chăn nuôi dê; chăn nuôi trâu bò sinh sản; trồng nấm; kinh tế đồi rừng, vườn rừng; ngành nghề thủ công sản xuất gạch táp lô, mây tre đan, xưởng rèn, xưởng mộc… mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nông, giúp thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo, Đô Lương đã tích cực huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ huyện đến xã nhằm bổ sung nguồn vốn chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác xây dựng các mô hình kinh tế. Theo đó, hằng năm, UBND huyện đã trích hàng trăm triệu đồng từ ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Việc làm này mang ý nghĩa sâu sắc, lớn lao cả về mặt chính trị và kinh tế, thể hiện sự ủng hộ, quan tâm đến công tác giảm nghèo của địa phương trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của các cấp, ngành cùng chung tay vì người nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn Đô Lương có điều kiện chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, điển hình như mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản của gia đình ông Nguyễn Thế Tuyên ở xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn. Ông Tuyên cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện thuần nông, thời điểm năm 2007, nhà tôi có 6 khẩu, 2 vợ chồng tôi là lao động chính và 4 con đang tuổi ăn học. Hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn nên được xóm và xã bình xét vào diện hộ nghèo. Chính vì vậy, 2 con đầu của tôi tốt nghiệp 12 xong là khăn gói đi làm thuê ở phương xa kiếm sống. Đến năm 2008, con thứ 3 thi đậu vào trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nhưng tôi không biết lấy gì để chu cấp cho con đi học. Thế rồi, được sự động viên, tuyên truyền và bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nên tôi đã mạnh dạn vay vốn chính sách ưu đãi chương trình cho vay HSSV của NHCSXH huyện Đô Lương để đầu tư cho con ăn học. Nhờ đó, gia đình tôi có đủ kinh phí để trang trải chi phí học tập cho con thứ 3, rối đến con thứ 4”.
Năm 2009, sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, ông Tuyên tiếp tục vay vốn NHCSXH chương trình hộ nghèo với số tiền 7 triệu đồng để đầu tư mua một con bò cái về chăn nuôi sinh sản. Đến năm 2012, gia đình ông Tuyên đã có thu nhập từ việc bán me và đã thanh toán đầy đủ nợ cho NHCSXH. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi bò sinh sản, năm 2013, ông Tuyên tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để mua thêm 1 con trâu và 1 con bò cái về chăn nuôi sinh sản nhằm mục đích tạo đàn. Thành quả của việc chăn nuôi trâu, bò sinh sản không chỉ giúp gia đình ông Tuyên đảm bảo cuộc sống ổn định, mà còn trả được nợ vay cho NHCSXH với số tiền 106,6 triệu đồng, trong đó, dư nợ vay hộ cận nghèo 30 triệu đồng; dư nợ vay chương trình HSSV 76,6 triệu đồng.
Nhờ vậy, năm 2020, gia đình ông Tuyên đã thoát nghèo bền vững. Để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Tuyên đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện. Với sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, sự hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi của các ban ngành và sự nỗ lực của gia đình, ông Tuyên đã mở rộng quy mô chăn nuôi trâu bò sinh sản. Đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ khá của xã, với tài sản là 15 con trâu, bò trị giá trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản đã giúp ông Tuyên có đủ điều kiện để chu cấp cho hai con đi học đại học, đến nay đã ra trường và có việc làm ổn định với mức thu nhập cao.
“Để có được kinh tế như hiện nay, đối với gia đình tôi là một bước ngoặt lớn. Vì vậy, gia đình tôi rất biết ơn NHCSXH huyện Đô Lương, cán bộ Hội Nông dân xã Thuận Sơn, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thuận Phú đã có công rất lớn để chắp cánh cho ước mơ của gia đình tôi trở thành hiện thực, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, tôi cũng rất vinh dự và vui mừng khi được đại diện cho gần 11 nghìn hộ vay vốn chính sách ưu đãi trên địa bàn huyện Đô Lương để báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Tuyên tâm sự.
Có thể nói, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, Đô Lương đã chú trọng đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, kỹ thuật và nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế giúp hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững… Hiện nay, Đô Lương đang phấn đấu xây dựng trở thành thị xã trước năm 2025.

Hoàng Lan

Các tin bài khác