Cựu Chiến binh Đô Lương giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi

30/07/2021
(VBSP News) Giai đoạn 2016 - 2021, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đô Lương (Nghệ An) đã thực hiện tốt phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nhất là các CCB là thương binh, bệnh binh. Kết quả của phong trào đã huy động được mọi nguồn lực, tiềm năng của CCB, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Picture1

Xưởng sửa chữa ô tô của CCB Nguyễn Xuân Thìn (ngoài cùng bên trái) ở xóm Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương

Hiện nay, Hội CCB huyện Đô Lương có 1.440 mô hình SXKD do CCB làm chủ, tạo việc làm ổn định cho 3.807 lao động. Trong đó, có 49 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10 hợp tác xã ngành nghề; 176 trang trại, 324 gia trại; 12 tổ sản xuất và 839 hộ kinh doanh dịch vụ. Toàn hội có 675 mô hình kinh tế thu nhập cao, 249 mô hình kinh tế tiêu biểu bao gồm: mô hình 5 + 1 (5 CCB giúp 1 CCB khó khăn), mô hình câu lạc bộ giúp nhau giảm nghèo, góp vốn xoay vòng. Đặc biệt, nhiều CCB là thương binh nặng vẫn vươn lên phát triển sản xuất. Điển hình có thể kể đến là CCB Nguyễn Xuân Thìn, sinh năm 1952, ở xóm Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, mặc dù là thương binh loại 1, mất 81% sức khỏe, nhưng trong suốt 8 năm qua, ông đã cùng 2 người con trai mở xưởng sửa chữa xe ô tô, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Ông Thìn cho biết: “Tôi đã để lại ở chiến trường 1 chiếc chân, về địa phương, trải qua nhiều công việc, nhưng bản thân tôi luôn cố gắng để xây dựng phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Nay tôi cùng 2 con trai tập trung làm việc tại gara ô tô. Lúc rảnh rỗi lại tranh thủ đến nhà anh em CCB động viên hỏi thăm sức khỏe, giúp đỡ nhau trong điều kiện có thể”.

Trong thời gian qua, Hội CCB huyện Đô Lương đã thành lập Câu lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, qua đó khuyến khích động viên các CCB cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng được quỹ hỗ trợ gia đình hội viên khó khăn, gia đình chính sách. Đơn cử như CCB Trần Xuân Long - là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, nhưng nhờ nghị lực kiên cường, ông đã thành lập được một công ty sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu của công ty đạt 110 tỷ đồng, nộp ngân sách 50 tỷ đồng, tạo công việc ổn định cho 85 lao động với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, ông được Hội CCB Việt Nam trao tặng danh hiệu hội viên SXKD giỏi.

Nhờ đẩy mạnh phong trào SXKD, nên tỷ lệ hộ khá giàu trong Hội CCB huyện Đô Lương tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn hội chỉ còn 0,24%. Trong 5 năm qua, hội đã xóa 52 nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên, hội CCB thực hiện mô hình “Mỗi hội viên, mỗi tháng tiết kiệm 2 ngàn đồng”, làm mới 23 nhà và sửa chữa 11 ngôi nhà cho hội viên. Có được ngôi nhà mới khang trang ai cũng vui mừng phấn khởi, CCB Thái Văn Thọ ở xã Giang Sơn Đông - thương binh 2/4 nói: “Ngày trước, tôi ở trong căn nhà xuống cấp, rất lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến, nay nhờ sự giúp đỡ của đồng đội CCB nên tôi đã có được ngôi nhà mới khang trang. Tôi và vợ như trẻ ra vài tuổi, cảm thấy rất hạnh phúc”.

Picture2

Mô hình vườn cây ăn quả của CCB Hoàng Văn Sáu ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương

Chủ tịch Hội CCB xã Giang Sơn Đông Phan Bá Tuấn cho biết: “Chúng tôi có 9 chi hội giúp nhau sản xuất, mỗi tháng có trên 80 triệu đồng, ưu tiên cho hội viên điều kiện kinh tế khó khăn. Trong hội hiện nay có 65 mô hình trang trại, gia trại. Tiêu biểu có mô hình của đồng chí Bùi Văn Trung ở chi hội Nam Tân, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong 3 năm từ 2018 đến 2020, chúng tôi đã làm mới 3 ngôi nhà cho hội viên”.

Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Đô Lương đã tích cực khai thác, vay vốn ủy thác từ NHCSXH huyện để phát triển kinh doanh sản xuất. Đến nay, dư nợ ủy thác từ NHCSXH huyện của hội đạt 107.371 triệu đồng với 62 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, hội còn huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân gửi vào NHCSXH với số tiền trên 15 tỷ đồng, giải quyết được 2.200 lao động/năm.

Tại xã Giang Sơn Tây, phong trào hội viên giúp nhau vượt khó, phát triển kinh tế đã được phát huy mạnh mẽ. Chủ tịch hội CCB xã Giang Sơn Tây Lê Văn Cường cho biết: “Hội CCB chúng tôi đã tạo phường vốn giúp nhau sản xuất, nên trên hiện nay không có hội viên nghèo. Đặc biệt có đồng chí Hoàng Văn Sáu, vừa thương binh, bệnh binh, đồng chí đã cải tạo vườn tạp, hiện nay cây trong vườn đều có giá trị hành hóa”.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Đô Lương luôn gương mẫu tham gia các cuộc vận động, hoạt động tình nghĩa. Ngoài ra, hàng năm, các hội cơ sở đã triển khai vận động hội viên, các doanh nghiệp CCB ủng hộ vật chất và ngày công trên 700 triệu đồng để nâng cấp tu bổ các Đài tưởng niệm liệt sỹ ở xã, thị trấn. Tặng quà tri ân ngày 27/7, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ hàng năm với số tiền trên 856 triệu đồng.

Với kết quả đạt được của phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã góp phần xây dựng Hội CCB huyện Đô Lương trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chủ tịch Hội CCB huyện Đào Viết Hoàn chia sẻ: “Từ năm 2016 đến 2021, hàng năm chúng tôi luôn có các mô hình, các cá nhân là thương binh được khen thưởng; cấp Trung ương có 2 đến 3 mô hình, Tỉnh hội 10 đến 12 mô hình, Huyện hội 101 đến 105 mô hình, hội cơ sở tôn vinh 225 đến 230 mô hình”.

những người lính năm xưa đã chịu nhiều hy sinh gian khổ để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, nay đất nước đang hòa bình và phát triển, các CCB huyện Đô lương lại cùng nhau phát huy mạnh mẽ bản chất của người lính để xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Bài và ảnh Ngọc Phương

Các tin bài khác