Đô Lương đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống
Năm 2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Đô Lương đạt 571,4 tỷ đồng, so đầu năm tăng gần 61 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đạt 445,5 tỷ đồng; vốn ngân sách của tỉnh và huyện chuyển sang hơn 6 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Nguyễn Hữu Kỳ cho biết: Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được duy trì ổn định. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm, từ đó tạo nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn cũng như trả lãi khi hộ vay gặp khó khăn về tài chính. Nhờ vậy, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 38 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt gần 8,5%.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liêt, ngay sau khi được giao nguồn vốn giải ngân đợt 1 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH huyện Đô Lương đã kịp thời tham mưu với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện triển khai phân bổ vốn cho các xã, thị trấn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi, góp phần giải quyết nhu cầu vốn cấp thiết mà các đối tượng được thụ hưởng đang cần để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ gần 16% năm 2010, xuống còn gần 3% năm 2022 (theo chuẩn đa chiều). Thu nhập bình quân đạt từ 23,2 triệu đồng/người/năm (năm 2010), tăng lên 65,7 triệu đồng/người/năm (năm 2022).
Anh Phan Văn Kiều ở xóm Lưu Thọ, xã Lưu Sơn trước đây cuộc sống khó khăn, khi mọi chi phí, sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng tiền làm thuê ít ỏi và bấp bênh từ cửa hàng khung nhôm kính. Không cam chịu phận nghèo, anh vừa làm, vừa học cách điều hành, sử dụng máy làm khung nhôm kính, với mong muốn tìm con đường thoát nghèo. Năm 2017, anh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Đô Lương để mua máy làm khung nhôm kính. Nhờ sẵn tay nghề, chịu khó chăm chỉ làm ăn, anh đã sở hữu cửa hàng khung nhôm kính, với nhiều sản phẩm chất lượng tiêu thụ tại địa phương. Cuộc sống của anh Kiều dần ổn định, khấm khá hơn với nguồn thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Nhưng dịch COVID-19 ập đến, cửa hàng phải đóng cửa vì vắng khách, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh phải ngừng lại. Giữa khó khăn, anh được NHCSXH huyện tiếp sức 100 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Có vốn, anh mở lại hoạt động cửa hàng khung nhôm kính, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương.
Phát huy thành quả 20 năm qua, NHCSXH huyện Đô Lương đã và đang góp hết sức mình cùng huyện giúp hàng hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » Hậu Giang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng
- » Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer
- » Tín dụng chính sách tạo động lực cho người nghèo Phú Yên làm giàu
- » Mai Châu giảm nghèo bền vững từ tín dụng chính sách
- » Hiệu quả từ chính sách cho vay hỗ trợ việc làm
- » Tiếp sức cho người dân An Lão thoát nghèo, vượt khó
- » Tăng thêm nguồn lực cho người nghèo
- » NHCSXH nhận bàn giao biểu trưng Logo Ngân hàng Phục vụ người nghèo
- » Niềm vui từ những ngôi nhà mới
- » Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế