Cựu chiến binh phát huy hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn chính sách

23/04/2023
(VBSP News) Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Nam Đàn (Nghệ An), nhiều hội viên Cựu chiến binh (CCB) xã Nam Anh đã mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đến nay, đã có hàng trăm hội viên CCB xã Nam Anh được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
ccc

Nhiều hội viên CCB xã Nam Anh, huyện Nam Đàn thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn NHCSXH

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH phát huy được hiệu quả, Hội CCB xã Nam Anh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn phải sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện được vay vốn để phát triển kinh tế…
Đến tham quan mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Văn Lương ở xóm 5, xã Nam Anh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển kinh tế của gia đình anh. Từ hộ gia đình có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, giờ đây, anh Lương đã là một trong những hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, nhờ thực hiện mô hình VAC. Với diện tích khoảng  5.000m² đất, anh tận dụng tối đa để thực hiện mô hình. Trong đó, diện tích ao thả cá 2.000m², trung bình anh thu hoạch 2 tấn cá/năm, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng/năm; diện tích chuồng trại gồm: lợn nái sinh sản và lợn thịt, khu chăn nuôi gà, vịt giúp anh Lương thu lãi 70 triệu đồng/năm.
Anh Lương chia sẻ: “Không có vốn, thì không thể làm gì được. Ngay sau khi được Hội CCB xã tạo điều kiện cho gia đình được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH huyện là 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm. Vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống ao chuồng, nhất là việc tự túc con giống, thức ăn gia súc nhập từ gốc nhà máy cung cấp không qua khâu trung gian, chú trọng ký kết đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, hàng năm thu hoạch từ mô hình VAC ổn định, mang lại thu nhập cho gia đình sửa sang nhà cửa khang trang hơn”.
Còn đối với anh Hồ Viết Tân ở xóm 4, xã Nam Anh, những năm trước đây, điều kiện kinh tế gia đình anh Tân cũng gặp không ít khó khăn. Với ý nghĩ muốn vượt khỏi cảnh nghèo khó, anh đã mạnh dạn gặp gỡ và đề xuất với Hội CCB xã Nam Anh cho anh được vay vốn để phát triển kinh tế vườn đồi. Thấy được ý tưởng của anh Tân là khả thi, Hội đã đề nghị NHCSXH huyện hỗ trợ 100 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với số tiền được vay, anh đã mua các loại giống cây phù hợp thổ nhưỡng như: hồng cậy, cam, quýt… Trong đó, cây hồng, quýt đã nổi tiếng về chất lượng của vùng núi Đại Tuệ; lại phù hợp với đề án phát triển kinh tế của xã về du lịch sinh thái gắn với văn hóa ẩm thực, tâm linh. Từ học hỏi kinh nghiệm các hộ làm kinh tế phát triển vườn đồi có hiệu quả, chỉ sau 3 năm, mô hình kinh tế vườn đồi của anh Tân đã mang lại nguồn thu nhập ổn định 50 triệu đồng/năm. Anh Tân chia sẻ: “Tuy nguồn vốn hỗ trợ không nhiều, nhưng những lúc mình khó khăn thì càng đáng quý. Cũng nhờ có nguồn vốn chính sách mà gia đình tôi mạnh dạng đầu tư góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.
Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Đình Lương cho biết: Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện, trong những năm qua, Hội CCB xã luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với NHCSXH huyện Nam Đàn để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn vay. Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Hội CCB xã Nam Anh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến hội viên; tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động ủy thác cho vay và kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp các hộ dân từng bước phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với NHCSXH, đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hội viên CCB, đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào của địa phương. Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH, Hội CCB xã Nam Anh đã cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên. Đến nay, hội viên CCB đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần; đời sống của gia đình hội viên ngày càng phát triển.

Bài và ảnh Hải Nhân

Các tin bài khác