Tín dụng chính sách giúp người dân Phú Thọ xây dựng kinh tế bền vững

03/12/2024
(VBSP News) Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành đòn bẩy quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ phát triển. Thông qua các chương trình hỗ trợ vốn vay, hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo bền vững, vươn lên xây dựng kinh tế. Đây chính là nền tảng để Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.
1-8469

Người dân được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Một trong những thành tựu nổi bật là công tác giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy sự khởi sắc của nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh giảm 0,6% hộ nghèo, 0,3% hộ cận nghèo. Trong đó, nổi bật là huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a từ năm 2018, vượt trước 2 năm so với kế hoạch, năm nay lại có gần 50% số xã, thôn thoát cảnh đặc biệt khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm cao (3%/năm).
Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành tích đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, còn có những đóng góp tích cực, hiệu quả của hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giám đốc chi nhánh Trương Việt Phương cho biết: Ngay từ thời điểm thành lập, chi nhánh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự đoàn kết chung sức, chủ động trong công cuộc giảm nghèo, chi nhánh đã tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Đến ngày 31/10/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt 6.379 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng so với cả năm 2023.
Các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt sâu sắc và triển khai sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 136,7 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã chuyển tải kịp thời về 225 Điểm giao dịch xã, phân bổ đến 3.659 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn xóm, cụm dân cư, giúp người dân có vốn, có điều kiện thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề thủ công truyền thống.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh tăng từ 2.913 tỷ đồng năm 2014 lên 6.379 tỷ đồng năm 2024, với tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 6.371 tỷ đồng, với 113.516 hộ còn dư nợ.
Tại huyện miền núi Tân Sơn, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Sơn mỗi năm giảm 1,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%. Anh Trần Minh Diện ở khu Liên Minh, xã Thu Ngạc chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Được xã, khu dân cư động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố, nuôi 2 con ăn học…”.
Hay như gia đình bà Trịnh Thị Tâm ở khu 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba nhờ có nguồn vốn chính sách trợ lực đã thoát cảnh nghèo khó, xây được nhà mới khang trang, kiên cố. Theo bà Tâm, trước đây gia đình rất khó khăn, chồng đau ốm, bệnh tật, con không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo của địa phương; thiếu đất sản xuất, bản thân hay đau yếu, tất cả chi tiêu trong gia đình chỉ trông cậy vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp. Thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, UBND xã Thanh Hà và chi hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện để gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn vay, bà đã sửa sang chuồng trại, mua lợn và bò về chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đồng thời được cán bộ xã đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đàn lợn, bò nhà bà Tâm phát triển tốt. Sau hơn 2 năm vay vốn, gia đình bà đã trả được nợ, thoát nghèo, xây được nhà, kinh tế gia đình dần khởi sắc.
Hiệu quả chặng đường 22 năm hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã đạt những kết quả rất tích cực. Thông qua nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đã tạo việc làm cho 2.422 người; 68 đối tượng chính sách được mua nhà ở xã hội/xây sửa nhà để ở; 84 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; 530 HSSV vay vốn đi học; 112 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để tái hòa nhập cộng đồng; có 31.390 công trình cấp nước sạch và vệ sinh hộ gia đình nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội.
Dòng vốn chính sách được khơi thông, chảy đều đặn khắp làng quê trung du miền núi Phú Thọ; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, có đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, Nghị định của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động nguồn vốn, chuyển tải nhanh chóng, an toàn dòng vốn về các làng bản phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, góp phần để Phú Thọ phấn đấu đến 2030 là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc.

Bài và ảnh Minh Uyên

Các tin bài khác