Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Thái Nguyên (Bài cuối: Trụ cột giảm nghèo bền vững)

27/11/2024
(VBSP News) Xác định giảm nghèo là một trong các công tác trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó có việc đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Qua đó, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực Đông Bắc.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa “hương trà” bay xa

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa “hương trà” bay xa

Kết quả giảm nghèo ấn tượng

Thành quả trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với Khu di tích lịch sử quốc gia ATK Định Hóa đã góp thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội Thái Nguyên, nhất là ở nơi gian khó nhất như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng chiến khu xưa.

Với 113 mô hình, dự án giảm nghèo đi vào hoạt động hiệu quả, đạt 205% chỉ tiêu kế hoạch; hơn 2.500 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,78%; trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm giảm 1,26%, vượt so với kế hoạch đề ra… đã chứng minh sự thống nhất đồng lòng của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như tính đúng đắn, thiết thực của các chương trình tín dụng chính sách.

Thông qua 177 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; 2.628 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tín dụng NHCSXH đã tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen cho biết, việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể, nguồn vốn chính sách ở Võ Nhai không những tăng trưởng nhanh mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Với sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thái Nguyên, cán bộ NHCSXH tỉnh đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chính sách về cùng nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại; thế mạnh nông, lâm nghiệp được lựa chọn. Từ thành thị đến nông thôn trong vùng chiến khu xưa Định Hóa, đến các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện miền núi Võ Nhai, Đại Từ; người nghèo và các đối tượng chính sách đều được tiếp cận vốn vay vào phát triển kinh tế, ổn định, cải thiện cuộc sống.

Đòn bẩy giúp dân thoát nghèo

Tại huyện Định Hóa, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã sử dụng đồng vốn chính sách xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Chăn nuôi trâu bò sinh sản, gà thả vườn đồi, thâm canh vườn chè sạch… qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Tiêu biểu như gia đình chị Nông Thị Thảo, xóm Khang Thượng, xã Bình Yên đã khởi nghiệp từ 50 triệu đồng vay vốn chính sách, nay sở hữu 5 sào chè sạch, 4 con bò giống, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như gia đình anh Dương Văn Chuyền, xóm Hin, xã Yên Đỗ, huyện Phú Lương là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Trước đây, thu nhập của gia đình anh dựa vào cấy lúa và chè là chính, nhưng do diện tích đất nông nghiệp hạn chế nên đời sống gặp không ít khó khăn.

Năm 2020, anh Chuyền mạnh dạn mở xưởng xẻ gỗ có diện tích trên 200m2 để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài xã. Sau khi thoát nghèo năm 2021, gia đình anh được NHCSXH giải ngân nguồn vốn 100 triệu đồng cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Với số tiền đó, anh Chuyền tiếp tục đầu tư mở rộng kho bãi. Hiện thu nhập của xưởng xẻ đạt từ 50 - 70 triệu đồng/tháng.

“Nhờ có nguồn vốn này mà xưởng xẻ của gia đình tôi giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng”, anh Chuyền phấn khởi nói.

Không riêng gia đình anh Chuyền, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo tại xã Yên Đổ cũng được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt trên 30 tỷ đồng, với trên 700 hộ vay vốn. Đây có thể coi là đòn bẩy kinh tế quan trọng không chỉ giúp người dân mà còn giúp địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại huyện Đồng Hỷ, việc đáp ứng nhu cầu vốn vay và hấp thụ nguồn vốn của người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo là khá lớn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện đạt 574,4 tỷ đồng (tăng so với hết năm 2023 là 11,4 tỷ đồng), với tổng số 12.472 đối tượng vay. Các đối tượng chính sách trên địa bàn sử dụng vốn vay rất hiệu quả. Chính vì thế, Đồng Hỷ là một trong 12 đơn vị cấp huyện trong toàn quốc không có nợ quá hạn, không có tình trạng khoanh nợ.

Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Đồng Hỷ Lê Thị Thu Hà đánh giá, 3 năm qua, cùng với các chương trình, chính sách khác, tín dụng chính sách đã góp phần giảm hơn một nghìn hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay còn 5,48% và từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm khoảng 500 hộ nghèo, cận nghèo.

Đông Dư

Các tin bài khác