Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Kỳ 1 - Khi Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống)
Chính sách đi vào lòng dân
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Một quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn. 10 năm qua, Chỉ thị số 40 trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, NHCSXH tỉnh không chỉ là “cầu nối” giải ngân tín dụng của Chính phủ mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.
Trong cái nắng tháng 8 như thiêu như đốt trên mảnh đất Hà Tĩnh, một ngày cùng với các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Kỳ Anh đi giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã, mới thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của những cán bộ NHCSXH đang ngày đêm giúp dân thoát nghèo. Có mặt tại xã Kỳ Thượng một xã miền núi của huyện Kỳ Anh vào đúng ngày giao dịch cố định, đồng chí Vũ Trung Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng khẳng định: “Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của xã. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của toàn thể cán bộ, đảng viên xã Kỳ Thượng thời gian qua giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Nguồn vốn chính sách ở xã không những tăng trưởng nhanh mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống”.
Chia sẻ về hiệu quả vốn tín dụng chính sách, đồng chí Nguyễn Thị Nhung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kỳ Thượng khẳng định: “Những năm qua, nguồn vốn vay từ NHCSXH là một trong những kênh tín dụng quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang có dư nợ ủy thác với NHCSXH là gần 29 tỷ đồng, với 458 hộ vay tại 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý”. Nguồn vốn đến đúng đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả nguồn vốn tín dụng tại xã phải kể đến hộ chị Nguyễn Thị Lệ ở thôn Tiến Quang, xã Kỳ Thượng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH, chị đầu tư trồng 5 ha rừng tràm và mua thêm 02 con bò, nhờ chăm chỉ làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích. Từ hộ gia đình thuộc diện khó khăn, đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Lệ thu về hơn 50 triệu đồng mỗi năm, vươn lên trở thành hộ khá, có thu nhập ổn định.
Để Chỉ thị số 40 thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, ngay từ triển khai NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh chủ động báo cáo, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Xác định rõ hơn nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ thường xuyên. Theo đó, NHCSXH tỉnh chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị 40. Vì vậy, trong quá trình hoạt động của NHCSXH cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời.
Từ năm 2014 đến nay, tổng doanh số cho vay của NHCSXH Hà Tĩnh đạt hơn 14.363 tỷ đồng với 368 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ trên 6.870 tỷ đồng, tăng 3.602 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40, với 106 ngàn khách hàng đang còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp 0,036%/tổng dư nợ, có 149/216 xã không có nợ quá hạn.
Thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 360,7 tỷ đồng, tăng 321,9 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó ngân sách tỉnh 282,6 tỷ đồng, ngân sách các địa phương cấp huyện 78,1 tỷ đồng, trong đó có một số thị xã, huyện nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH cao như thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân, Đức Thọ…
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp hơn 368 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho hơn 44 nghìn lao động, xây dựng gần 247 nghìn công trình NS&VSMTNT, 63 người chấp hành xong án phát tù được vay vốn, hơn 1.896 ngôi nhà được xây dựng mới và cải tạo, 13.670 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 33 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn, 176 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,41% năm 2014 xuống còn 3,01%, với 181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…
Kết quả trên khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40
Tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, ngày 10/6/2021 Ban Bí thư TW Đảng ban hành Kết luận số 06-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đối với tín dụng chính sách xã hội”, trong đó yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh Bùi Thị Ngọc Hà cho biết: “Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị. Đây cũng là minh chứng khẳng định chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội đề ra tại Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra ngày 28/6/2024, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đánh giá cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH tỉnh trong việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40. Nguồn vốn chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả tốt, tỷ lệ nợ xấu rất thấp, hoạt động cho vay đúng quy định pháp luật.
Tuy vậy, việc triển khai Chỉ thị số 40 vẫn còn một số khó khăn như: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thiếu đồng bộ…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền các cấp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện Chỉ thị số 40, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chung trên địa bàn, trong đó lồng ghép nhiều nguồn vốn để phát huy hiệu quả; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bài và ảnh Trần Giáp
Các tin bài khác
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- » Nguồn vốn chính sách làm “đòn bẩy” cho Đà Nẵng vươn mình
- » Thanh Hoá thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Hỗ trợ HSSV hoàn cảnh khó khăn xây đắp tương lai
- » Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng
- » “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách xã hội hoạt động hiệu quả
- » Hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở Ninh Thuận
- » Đưa vốn chính sách về vùng khó
- » Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ
- » Vốn chính sách làm thức dậy đất nghèo Chư Sê