“Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách xã hội hoạt động hiệu quả

21/08/2024
(VBSP News) Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ thị ra đời đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
16082024chithuctamdao (1)

Vốn vay chính sách đã giúp gia đình chị Đỗ Thị Thức vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá tại địa phương

“Luồng sinh khí mới”
Năm 2014, Chỉ thị số 40-CT/TW chính thức được ban hành, thể hiện rõ quan điểm đột phá của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đó là một chủ trương, quyết sách đúng và trúng, hợp ý Đảng lòng dân làm chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, tạo nên sức mạnh tổng hợp để quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển bền vững của mỗi địa phương.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vào cuộc quyết liệt với mục tiêu nhanh chóng đưa chủ trương, quyết sách của Đảng đi vào cuộc sống. Một luồng sinh khí mới thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và triển khai thực hiện quyết liệt với các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hành động thường xuyên của địa phương, đơn vị mình, từ đó cùng vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt nhằm giúp NHCSXH thực hiện tốt vai trò chủ thể trong cho vay tín dụng chính sách.
Đơn cử như tại huyện Sông Lô. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, trọng tâm là tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại các xã, thị trấn; bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác hằng năm từ ngân sách địa phương qua NHCSXH huyện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tạo điều kiện bố trí cơ sở vật chất và phối hợp thực hiện tốt các phiên giao dịch tại các xã, thị trấn; quản lý, giám sát hiệu quả mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương.
Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Văn Bảy khẳng định: 10 năm triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp thay đổi tư duy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đóng góp quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt gần 485 tỷ đồng, 10 năm qua, toàn huyện đã có 33.504 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn chính sách đã giúp 3.086 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 17.941 lao động; trên 480 HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng 33.882 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 70 căn nhà cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp… đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, từ 8,2% năm 2014 giảm còn 0,84% vào cuối năm 2023. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Cũng như Sông Lô, huyện Bình Xuyên đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để bố trí đủ vốn cho các hộ có nhu cầu vay; chủ động rà soát, xác định đối tượng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn thuận lợi.
Tín dụng chính sách đã không còn là câu chuyện riêng của NHCSXH huyện mà trở thành vấn đề chung được cả hệ thống chính trị cùng chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, NHCSXH huyện đã xây dựng, tổ chức thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 456,9 tỷ đồng với hơn 8.750 khách hàng còn dư nợ. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, toàn huyện có 31.502 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách, đã có 2.936 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đối với một chính sách đặc thù đã trở thành “kênh” tín dụng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân. Có thể khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện Sông Lô, Bình Xuyên cũng như các địa phương khác trong tỉnh đã và đang giúp cho đồng vốn tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả, đóng góp đắc lực vào những thành công chung trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, thông qua đó đã tạo được lòng tin vững chắc của nhân dân đối với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc phát triển của quê hương.
Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân
Có mặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh vào những ngày giao dịch định kỳ của NHCSXH mới thấy hết niềm vui, phấn khởi của người dân đến giao dịch. Khi được hỏi, đại diện chính quyền các địa phương đều khẳng định: Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên thời gian qua đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách không những tăng trưởng nhanh mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Như câu chuyện của chị Đỗ Thị Thức ở thôn Kiên Tràng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo là một minh chứng. Sau bao năm 2 vợ chồng xoay xở đủ nghề vẫn không thoát diện hộ nghèo của xã. Năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ xã Tam Quan, chị được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo của NHCSXH. Từ số tiền trên, gia đình chị sử dụng 20 triệu đồng để trang trải chi phí cho con ăn học; 30 triệu đồng để mua 1 con bò và 3 con lợn nái về chăn nuôi. Sau 5 năm, thu nhập của gia đình dần ổn định, chị Thức đã trả được nợ cho NHCSXH huyện và chính thức thoát nghèo.
Năm 2021, gia đình chị tiếp tục vay 40 triệu chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH huyện. Với số vốn được vay cộng thêm vốn tích lũy qua nhiều năm, gia đình chị đã chuyển sang trồng cây ăn quả, đồng thời, mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn sinh sản. Hiện trung bình mỗi năm gia đình chị xuất bán 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 10 - 12 con, trừ chi phí cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Thu nhập ổn định, gia đình chị Thức cũng có điều kiện để sửa chữa lại căn nhà thêm khang trang, mua sắm thêm các trang thiết bị trong gia đình, đồng thời cho các con ăn học tốt hơn.
Còn với anh Nguyễn Tam D ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên được vay vốn chính sách giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường giúp anh làm lại cuộc đời khi vừa bước ra khỏi trại giam, hòa nhập cộng đồng với 2 bàn tay trắng. Tâm sự với chúng tôi, anh D kể: “Khoảng thời gian trước khi được tha tù, tôi được cán bộ trại giam tư vấn tâm lý, định hướng việc làm và giới thiệu chính sách vay vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù từ NHCSXH nhưng cứ nghĩ chính sách chỉ là chính sách, bản thân mình đã có tì vết thì ai dám cho vay. Và rồi, giữa lúc loay hoay không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống, làm lại cuộc đời, tôi đã được Hội Phụ nữ, Công an phường Khai Quang tư vấn, xét đưa vào danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chính sách từ NHCSXH.
Ngày nhận số vốn vay 100 triệu đồng để mở cửa hàng nước giải khát tôi đã bật khóc, nghĩ mình đang nằm mơ giữa ban ngày… May mắn, cửa hàng mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã duy trì lượng khách ổn định, không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn giúp tôi có nguồn thu ổn định để trả nợ ngân hàng khi món vay đến hạn. Biết ơn Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách nhân văn này và các cấp chính quyền đã dang rộng vòng tay yêu thương đón nhận, khởi tạo cho mình một sinh kế khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, quyết tâm tu chí làm ăn, không tái phạm và không để nguồn vốn Nhà nước bị lãng phí”.
Anh D, chị Thức chỉ là 2 trong số gần 254.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.545 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2014; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 2.718 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Từ nguồn vốn chính sách, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, 10 năm qua, toàn tỉnh có 253.849 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền trên 9.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đã có 28.320 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 62.280 lao động có việc làm ổn định; 160 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; 3.440 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường; gần 730 học sinh, sinh viên có tiền mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hơn 261 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được xây nhà ở mới; 594 hộ thu nhập thấp được mua nhà; hơn 250.930 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Tiếp tục đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là những chương trình tín dụng mới; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NHCSXH.

Bài và ảnh Bích Phượng

Các tin bài khác