Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở Thái Nguyên (Bài 1: Khi có Đảng dẫn đường)
Người người, nhà nhà vào cuộc
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thiết lập và quản lý mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở.
Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 4.700 tỷ đồng, với 2.628 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ lệ 99,47%/tổng dư nợ cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh. Trong đó, Hội Nông dân quản lý dư nợ hơn 1.342,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,46%; Hội Phụ nữ quản lý dư nợ gần 1.360,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,85%; Hội Cựu Chiến binh quản lý dư nợ hơn 1.048,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,23%; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý dư nợ hơn 965,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,46%.
Sự kết hợp tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, củng cố tổ chức của mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hội, đoàn thể tốt hơn, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động hiệu quả hơn; năng lực của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Tại các thôn xóm, trưởng xóm với vai trò là người tham gia trực tiếp, chứng kiến và giám sát việc bình xét cho vay, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc xử lý thu hồi nợ… Từ đó, đồng vốn của NHCSXH đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Huy động nguồn lực lớn
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hàng năm, các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tham mưu bố trí dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Mục tiêu giảm nghèo và việc tạo chuyển biến mới cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Bởi vậy, nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững được tăng cường, chủ yếu từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi được huy động, sử dụng cơ bản đúng mục đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả.
Tính đến hết tháng 10/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh ủy thác sang NHCSXH đạt 255,73 tỷ đồng, tăng 45,773 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2023; góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Thái Nguyên lên 4.920,656 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn do chi nhánh NHCSXH tỉnh huy động là 515,312 tỷ đồng; nguồn vốn của các công ty, doanh nghiệp ủy thác sang NHCSXH đạt 6,633 tỷ đồng tăng 5,098 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 332%) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW; nguồn vốn từ cuộc vận động vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc phát động, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn khác: 1,535 tỷ đồng, tăng 100% so với với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Thịnh khẳng định, điểm thuận lợi nhất trong triển khai các hoạt động tín dụng chính sách là nhiều năm qua lãnh đạo địa phương luôn dành sự quan tâm cho công tác giảm nghèo cũng như thống nhất quan điểm về vai trò, ví trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Hàng năm, UBND tỉnh và 9 huyện, thành phố trực thuộc đều bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH vốn ngân sách để cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Công đoàn ngành Tài chính - Ngân hàng Belarus làm việc với Công đoàn NHCSXH
- » Giúp những người lầm lỗi xoá bỏ mặc cảm, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống
- » Hiệu quả vốn ưu đãi phát triển kinh tế ở Quế Võ
- » Trao “sinh kế” làm lại cuộc đời
- » Người nghèo ở Nam Đông sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
- » Tín dụng chính sách góp lực thúc đẩy huyện Trấn Yên trở thành cực tăng trưởng mới
- » Tín dụng ưu đãi trên quê hương khởi nghĩa Ba Tơ