Nỗ lực đưa vốn lên vùng cao
Là huyện miền núi có hơn 60% số dân là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; do đó, tín dụng chính sách xã hội được ví như chiếc “phao cứu sinh” để giảm nghèo ở huyện miền núi Thanh Sơn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ðến thăm nhà anh Hà Văn Quang, dân tộc Mường, ở khu Tân, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, trong căn nhà khang trang, sạch sẽ, anh Quang chia sẻ: Cách đây ba năm, gia đình anh thuộc hộ cận nghèo của xã. Năm 2021, được khu dân cư bình xét và các cấp chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn được vay, anh Quang đã cải tạo gần 2.000m² ao, nuôi cá thương phẩm và ốc nhồi, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh dần ổn định. Ðến nay, gia đình anh đã thoát cận nghèo, mô hình phát triển kinh tế của anh được nhiều người dân trong xã đến học tập.
Nhiều năm trước, gia đình ông Hà Huy Lượng, người dân tộc Mường, xã Thục Luyện thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ chính sách ưu đãi, đầu năm 2022, ông Lượng đã được NHCSXH huyện Thanh Sơn cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ cận nghèo. Với số tiền đó, ông Lượng đầu tư mua bò, lợn nái rừng và chăm sóc chè, cây thanh long ruột đỏ kết hợp với đào ao, thả cá. Nhờ làm ăn chăm chỉ, đến nay gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng/năm.
Ông Lượng chia sẻ, được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, ngoài mô hình chăn nuôi vườn, ao, chuồng, gia đình còn trồng keo, trồng chè với diện tích gần 10ha nên cuộc sống đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng…
Tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo cho huyện Thanh Sơn trong suốt những năm qua. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn lực khác của Trung ương, của tỉnh và của địa phương, nguồn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng để huyện Thanh Sơn giảm nghèo đáng kể. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 7,68%, giảm hơn 13% so với năm 2014; tỷ lệ hộ cận nghèo 7,62%, giảm gần 10% so với năm 2014…
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Vũ Ðức Quý, các chương trình cho vay đã và đang phát huy hiệu quả. Theo đó, tín dụng chính sách đã “trợ lực” cho hàng trăm hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp ổn định nơi ở cho rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ưu đãi được coi như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS trên địa bàn.
Những năm qua, tín dụng chính sách xã hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xác định là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên. Nhờ vậy, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho hơn 336.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác toàn tỉnh được vay vốn phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; góp phần giúp cho hơn 48.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 9.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 23.900 lao động có việc làm…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trương Việt Phương cho biết: Một trong những quyết sách mang tính đột phá để đưa đồng vốn đến tay người nghèo trong những năm qua chính là việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Qua đó, từng bước làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH trên địa bàn.
Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của Điểm giao dịch tại xã, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NHCSXH.
Bài và ảnh Ngọc Long
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường tiếp cận tri thức
- » Tuyên Quang: Vốn về vùng khó, nhiều người dân hết nghèo
- » Hiệu quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Cửa Lò
- » Tín dụng chính sách giúp dân vùng biên Sốp Cộp giảm nghèo
- » TP Bạc Liêu tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay tạo việc làm
- » “Mở lối” cho những người lầm lỡ
- » Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng: “Điểm tựa” vững chắc từ Quyết định 22