Tuyên Quang: Vốn về vùng khó, nhiều người dân hết nghèo
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh, các xã vùng sâu, vùng xa đã có diện mạo mới, trong đó, nguồn vốn chính sách với vai trò là trụ cột trong giảm nghèo và là đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất. Thông qua NHCSXH, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng; tư vấn, hướng dẫn sinh kế, bảo đảm hộ vay phát huy được hiệu quả đồng vốn, cải thiện đời sống.
Đơn cử như gia đình ông Chẩu Văn Dự ở thôn Bó Ngoạng, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình là một trong những hộ vay điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, để đầu tư phát triển trồng quế và chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Những năm về trước kinh tế khó khăn vì thiếu vốn sản xuất và chăn nuôi. Với việc được vay 100 triệu đồng vốn chính sách, ông đã đầu tư trồng 4ha keo kết hợp với chăn nuôi 2 con trâu sinh sản. “Nguồn vốn chính sách thật sự là nguồn lực quan trọng đối với gia đình tôi. Từ khi có vốn, giờ gia đình đã bớt khó khăn, xây dựng được mô hình làm kinh tế. Trẻ, già trong gia đình tôi đều có việc làm và sẽ nỗ lực để phấn đấu làm căn nhà mới, ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Dự chia sẻ.
Giám đốc NHCSXH huyện Lâm Bình Nguyễn Quỳnh Hưng cho biết: Hiện nay, huyện có 7.858 hộ vay vốn chính sách với tổng dư nợ là 458,2 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo là 183,1 tỷ đồng; hộ cận nghèo là 79,2tỷ đồng; xuất khẩu lao động là 2,5 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 52,3 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào DTTS theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là 13,8 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách là nguồn lực để địa phương đưa một số cây trồng có hiệu quả vào sản xuất, như: Quế, cam, bưởi và triển khai mở rộng, phát triển các sản phẩm OCOP, như Rượu men lá, chè Khau Mút, măng khô… Cùng với đó, vốn chính sách cũng đang góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động địa phương, giúp cải thiện đời sống người dân, mà quan trọng hơn sau khi trở về họ đã có nghề tiếp tục làm tại các khu công nghiệp, công ty nước ngoài, đảm bảo đời sống lâu dài.
Hay như chị Dương Thị Luyến, ở thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn là một trong những hộ người Mông trẻ tuổi có xưởng dệt vải thổ cẩm. Chị Luyến, cho biết: Vợ chồng chị được vay vốn 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Yên Sơn cộng với vay anh em, bạn bè; qua 2 năm phát triển, nghề này đã mang lại cho vợ chồng chị thu nhập ổn định có triển vọng phát triển lâu dài cho nên hai vợ chồng tập trung làm; số tiền lời mới được khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng công việc ổn định lại được làm ở nhà cho nên đỡ vất vả hơn nhiều. Chị mong tiếp tục được vay vốn của ngân hàng để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân trong bản.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ cho hay, trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền đạt hơn 8.525 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo… Nhận thức của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã có sự thay đổi tích cực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay trong sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm sự ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động vốn; quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Chủ động tham mưu cho các Sở, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù của tỉnh phù hợp từng giai đoạn.
Bài và ảnh Tiến Mạnh
Các tin bài khác
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường tiếp cận tri thức
- » Hiệu quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Cửa Lò
- » Tín dụng chính sách giúp dân vùng biên Sốp Cộp giảm nghèo
- » TP Bạc Liêu tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay tạo việc làm
- » “Mở lối” cho những người lầm lỡ
- » Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng: “Điểm tựa” vững chắc từ Quyết định 22
- » Tín dụng chính sách góp lực đổi thay diện mạo đô thị Hoài Nhơn
- » Đà Nẵng: Có vốn ưu đãi tiếp sức, nông dân Hòa Vang “đổi đời”
- » Chuyển mình từ “điểm tựa” Chỉ thị 40
- » Vươn lên thoát nghèo ở xã ven biển