Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường tiếp cận tri thức

03/09/2024
(VBSP News) Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững”.
sv1

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Hưng Yên có điều kiện theo học tại các trường đại học về kỹ thuật
                                                                                                                                                    Ảnh: Phan Anh

Không ai bị bỏ lại phía sau

Quan điểm trên đã thấm nhuần đến từng cán bộ trong hệ thống NHCSXH, để rồi từ đây, chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả trên toàn quốc trong suốt 17 năm qua, không để một học sinh, sinh viên nào bỏ học vì khó khăn về tài chính trên con đường tiếp cận tri thức, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cho biết: Theo Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hưng Yên sẽ có 35 Khu công nghiệp và 50 Cụm công nghiệp.

Tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng gần 3.000 héc-ta sẵn sàng cho việc tiếp nhận các dự án đầu tư. Chính vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực đối với địa phương là rất cấp thiết. Theo dự tính đến năm 2030, mỗi năm Hưng Yên có thêm khoảng 30.000 lao động việc làm, trong đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra là trên 71% lao động qua đào tạo.

Vì vậy, bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách, bố trí nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương “Không để học sinh, sinh viên nào bỏ học vì khó khăn về tài chính”. Nhờ vậy, 17 năm thực hiện chủ trương trên, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, tỉnh Hưng Yên đã có hơn 6.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chính sách, giúp các em có cơ hội học tập, phấn đấu cho tương lai và cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

Biến ước mơ thành hiện thực

sv2

Năm học mới 2024 - 2025 đã bắt đầu, nhiều phụ huynh học sinh, sinh viên ở xã Hiệp Cường, huyện Kim Động (Hưng Yên) đến Điểm Giao dịch NHCSXH tại xã hoàn thiện thủ tục và nhận vốn vay để lo cho các con vào học đại học, cao đẳng
                                                                                                                                 Ảnh: Phan Anh

Nhắc đến Vũ Văn Anh, lớp 106214 - Khoa Cơ khí Động lực của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên ở thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu ai cũng biết về hoàn cảnh của em. Cuộc sống gia cảnh rất khó khăn khi nhà có 3 anh em đang tuổi ăn, tuổi học, trông cả vào việc cha mẹ đi làm thợ xây. Chị Lê Thị Nga, mẹ của Văn Anh cho biết: Năm đầu tiên, con đi học dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng gồng gánh lo cho ăn học. Nhưng khi Văn Anh học đến năm thứ hai, chị phát hiện mình bị bệnh tim nặng, chỉ tính riêng tiền thuốc mỗi tháng đã mất 3,5 triệu đồng, chưa kể chi phí phẫu thuật. Lúc đó, chị rất hoang mang, không biết tương lai mình ra sao.

Trước kia cả hai vợ chồng đi làm được 550 nghìn đồng/ngày, làm đủ cả tháng cũng được 17 triệu đồng, nhưng khi ốm đau, không đủ chi tiêu, thuốc thang. “Vì vậy, nếu không vay được nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH năm đó, gia đình cũng không có nguồn thu nào thêm để lo cho cháu đi học, chắc phải bỏ học”, chị Nga tâm sự. Cũng nhờ nguồn vốn chính sách, đến nay, Vũ Văn Anh đã bước vào năm học thứ tư. Gánh nặng chi phí tài chính cho con ăn học giảm dần, giúp gia đình chị Nga dành dụm được tiền phẫu thuật tim lần thứ nhất. Năm nay, con trai thứ hai của chị Nga cũng đỗ vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, còn chị đang chờ có đủ tiền để phẫu thuật lần 2 vào tháng 10 này. 

Nhiều người khuyên chị cho con nghỉ học để đi làm đỡ đần cha mẹ, song chị nghĩ đi nghĩ lại, nhiều đêm thức trắng, chia sẻ cùng chồng, động viên các con, đời mình đã khổ, chỉ mong con mình sau này có tương lai sáng hơn. Vì vậy, chị lại tiếp tục làm hồ sơ đăng ký vay vốn NHCSXH huyện từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho người con thứ 2 đi học.

“Chúng tôi nghĩ cố gắng tạo mọi điều kiện cho các con đi học, việc của con thì phải giữ cho con. Tất cả đều nhờ vào NHCSXH, vì có nguồn vốn như thế mà con mình mới đứng được lên, mới tạo dựng được tương lai”, chị Nga tâm sự.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết: Sinh viên học tại trường đến từ các tỉnh thành trong cả nước, phần lớn là con em nông dân, điều kiện kinh tế gia đình nhiều em còn khó khăn, cần hỗ trợ tài chính học tập. Chính vì vậy, ngay từ khi các em nhập học, nhà trường đã phối hợp với NHCSXH huyện tuyên truyền chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tạo điều kiện giấy xác nhận học tập tại trường hàng năm để các em kịp thời vay vốn. Bình quân mỗi năm có từ 450 - 500 em sinh viên vay vốn chính sách.

Khóa K18 của trường, có 2 em sinh viên vay vốn chương trình này đang là thành viên xuất sắc trong 2 đội tuyển Robocon dành giải Nhất và giải Nhì trong Chung kết cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam 2024 và tham dự Robocon Châu Á - Thái Bình Dương vừa bế mạc ở Quảng Ninh.

Hay nhiều em trong đội tuyển Olympic và đạt giải Quốc gia cũng đang vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để học tập. “Đây là minh chứng cho chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là quan trọng, hỗ trợ không chỉ cho sinh viên mà cả nhà trường trong việc thực hiện chủ trương đào tạo sinh viên khoa học kỹ thuật có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu xã hội và định hướng phát triển công nghiệp của cả nước”, ông Quý chia sẻ thêm. Theo khảo sát của trường, sau khi sinh viên ra trường làm việc tại các Sở ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong tỉnh được đánh giá cao. 

Đây chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh triển khai Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ. 17 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đã có trên 3,9 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay hơn 80.000 tỷ đồng vốn ưu đãi để trang trải chi phí học tập. Nguồn vốn chính sách không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho học sinh, sinh viên nghèo còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia.

Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phá chiến lược. Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Mới đây trong buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH những năm qua, đặc biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Khi bàn về lĩnh vực giáo dục, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận: “Có những hoàn cảnh học sinh, sinh viên nghèo, không đủ tiền đi học “rất đau xót”. Việc này cần được cân nhắc và tính toán kỹ, đặc biệt là vai trò của NHCSXH với các cơ chế cho vay. NHCSXH cho sinh viên vay vốn đi học để các cháu yên tâm học tập. Nếu các cháu học đại học xong ra có việc làm rồi trả nợ dần, tôi tin rất là hay”.

Trước đó, NHCSXH kiến nghị các Bộ ngành, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của học sinh, sinh viên xây dựng các chính sách cho vay phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên. Đảm bảo mức vay đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, đủ để trang trải các chi phí học tập, đặc biệt tại các thành phố lớn. Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp trong đó có thể xây dựng hình thành các Quỹ cộng đồng để giúp sinh viên tốt nghiệp có thể vay vốn phát triển các dự án khởi nghiệp.

Đây sẽ là động lực để NHCSXH phát huy hơn nữa hiệu quả của một chương trình tín dụng đầy tính nhân văn và mang tính động lực trong hành trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập của đất nước.

image003

Việt Hải

Các tin bài khác