Vươn lên thoát nghèo ở xã ven biển
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Bình Chánh là xã có 70% người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông ngư nghiệp. Phát huy tiềm năng, lợi thế của một xã ven biển, những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản, góp phần xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trên dọc tuyến đường đến thôn Mỹ Tân, vị mặn mòi của biển hòa lẫn không khí buôn bán của người dân. Chúng tôi đến thăm cơ sở mực tẩm bè Hùng Loan, đây là một trong những sản phẩm được thị trường tin dùng.
Chị Loan chia sẻ, phát huy nghề truyền thống, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, cơ sở chế biến của chị đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để nâng tầm sản phẩm, tăng doanh số.
Với phương châm đề cao chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ hương vị đặc trưng, trong quá trình chế biến, cơ sở Hùng Loan không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia để gây màu, gây mùi…. Năm 2022, sản phẩm mực tẩm bè của gia đình chị Loan được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Với 6 sản phẩm gồm: mực tẩm bè, mực tẩm thường, mực tẩm xé sợ, mực rim, mực bè xé sợi, mực tẩm loại 1. Hiện, sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng rất ưa chuộng.
“Nghề này đã đem lại cho gia đình tôi doanh thu mỗi năm trên 1 tỉ đồng. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động nữ ở địa phương, bình quân gần 4 triệu đồng/ tháng”, chị Loan cho hay.
Cơ sở mực tẩm bè Hùng Loan đã được huyện Bình Sơn hỗ trợ 80 triệu đồng đầu tư máy móc, nâng cao sản lượng và chất lượng trong sản xuất. Năm 2023, hộ kinh doanh được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ nguồn giải quyết việc làm từ NHCSXH.
Huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Công tác giảm nghèo luôn được xã Bình Chánh quan tâm, chú trọng bằng những hoạt động, việc làm thiết thực và hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong đó, việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là một trong những chủ trương được các cấp, ngành quan tâm triển khai, để giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Lê Thị Xuân Hương (70 tuổi) gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Hương là phụ nữ neo đơn, đang nuôi mẹ già, bản thân bà thường xuyên đau ốm bệnh tật. Trước đây hai mẹ con bà Hương sống trong căn nhà cấp 4 lâu năm đã xuống cấp. Từ nguồn của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam” (GCF), gia đình bà được hỗ trợ 82 triệu đồng cùng với họ hàng, gia đình đóng góp thêm để xây dựng ngôi nhà mới.
“Hoàn cảnh tôi neo đơn, nuôi mẹ già sống nhờ vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã được các cấp các ngành quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi làm được ngôi nhà mới khang trang, giúp tôi ổn định cuộc sống”, bà Hương xúc động nói.
Mỗi mảnh đời, mỗi số phận khác nhau, nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự sẻ chia của cộng đồng. Chị Phạm Thị Mẹo bày tỏ: “Mùa mưa bão năm nay, mẹ con tôi được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, ấm áp tình người. Đây là động lực để bản thân tôi phải luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, dạy dỗ con học tập tốt, sau này trở thành những người có ích cho xã hội”.
Hoàn cảnh của chị Mẹo éo le khi chồng mắc bệnh hiểm nghèo mất, đến con đứa con lớn bị tai nạn mất. Nỗi đau mất mát liên tiếp ập đến gia đình chị, thấu hiểu nỗi khó khăn trước hoàn cảnh của chị Mẹo, địa phương thường xuyên quan tâm động viên, giúp đỡ. Với số tiền hỗ trợ 82 triệu đồng, từ nguồn của GCF và gia đình dòng họ hỗ trợ, chị Mẹo đã xây dựng ngôi nhà diện tích trên 50 mét vuông.
Hỗ trợ sinh kế bò cho hộ nghèo
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Nguyễn Hữu Pháp, thời gian qua, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chương trình MTQG giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Trong năm 2022, 2023 từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững địa phương đã hỗ trợ sinh kế cho 38 hộ, trong đó hỗ trợ bò cái sinh sản và chăn nuôi gà. Tính đến nay, toàn xã có 174 hộ nghèo, tỉ lệ 3,71%; 198 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,22%. Phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm 61 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo.
“Trong thời gian đến Xã Bình Chánh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và người nghèo về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo”, ông Pháp chia sẻ.
Bài và ảnh Như Đồng
Các tin bài khác
- » Giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng: “Điểm tựa” vững chắc từ Quyết định 22
- » Công an tỉnh và NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi ký kết Quy chế phối hợp trong công tác
- » Kỳ cuối - Không ai bị bỏ lại phía sau
- » Kỳ 2 - “Động lực” cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Kỳ 1 - Khi Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống)
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- » Nguồn vốn chính sách làm “đòn bẩy” cho Đà Nẵng vươn mình
- » Thanh Hoá thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Hỗ trợ HSSV hoàn cảnh khó khăn xây đắp tương lai
- » Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng