Nông dân Quảng Ngãi thoát nghèo từ vốn tín dụng chính sách
Đầu tư nuôi dúi, nuôi bò sinh sản hiệu quả
Với mô hình nuôi dúi đặc sản, anh Lê Công Từ Duy ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Anh Duy cho biết, từ năm 2019, anh bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi dúi. Sau 3 tháng nuôi hiệu quả, từ 10 con ban đầu, anh Duy đầu tư chuồng trại nuôi thêm 100 con. “Nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH, tôi có điều kiện đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi. Đến nay, tôi đã nhân đàn dúi lên hơn 500 con”, anh Duy cho biết thêm.
Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Dúi con sau khi nuôi từ 2 - 3 tháng là có thể bán làm con giống. Đối với dúi nuôi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg. Giá bán dúi từ 430.000 - 470.000 đồng/kg đối với dúi thương phẩm, 1 triệu đồng/cặp dúi giống. Mô hình nuôi dúi đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Duy.
Cũng được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình ông Huỳnh Nông ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa mua 2 con bê, trong đó có 1 cái và 1 đực. Bò đực sau một thời gian nuôi, ông bán để trả nợ ngân hàng. Còn bò cái sau 4 năm sinh sản được 3 bê con. Duy trì nuôi 2 con bò cái giống sinh sản; số bò còn lại, ông bán để trang trải cuộc sống. Trung bình mỗi con bò thịt cho vợ chồng ông thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Giữa tháng 11/2023, ông Nông tiếp tục được vay vốn NHCSXH 70 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch và mua thêm 2 bò cái giống, sửa chữa chuồng trại. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm lợn, gà. “Nguồn vốn vay ưu đãi NHCSXH đã giúp gia đình ổn định cuộc sống, lo cho các con ăn học nên người”, ông Nông chia sẻ.
Quản lý hiệu quả nguồn vốn vay
Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Tịnh Nguyễn Công Chúng cho biết: Nguồn vốn chính sách đã trở thành điểm tựa để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2023, toàn huyện giảm 66 hộ nghèo, đạt 235,7% kế hoạch năm; giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm mới cho 1.600 người, đạt 100% kế hoạch năm.
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Duy Cường, để quản lý nguồn vốn vay hiệu quả, Phòng giao dịch ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã, thị trấn, các khu dân cư, tổ dân phố.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh đạt gần 5.440 tỷ đồng, tăng hơn 221,8 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 4,3%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến ngày 31/3 đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 4,2% và đạt 55,8% kế hoạch tăng trưởng giao năm 2024.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, chi nhánh đã giúp hơn 11.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, với doanh số cho vay đạt gần 534,7 tỷ đồng. Các chương trình cho vay tập trung chủ yếu: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
Bài và ảnh Đức Thịnh
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tây Ninh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai
- » Dấu ấn tín dụng chính sách tại Đắk Nông
- » Tăng cường triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội
- » Tạo sinh kế cho người lầm lỗi
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Huyện Quỳ Châu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo sức bật cho tín dụng chính sách