Dấu ấn tín dụng chính sách tại Đắk Nông

26/06/2024
(VBSP News) Qua 10 năm thực hiện số Chỉ thị 40/CT-TW, hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Đắk Nông đã có nhiều kết quả. Chỉ thị đi vào thực tiễn đã góp phần tăng thêm nguồn lực, tạo cơ hội cho nhiều người dân thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
image001

NHCSXH huyện Đắk R’lấp giao dịch với người dân tại Điểm giao dịch xã Đắk Ru

Nguồn vốn gõ cửa kịp thời

Cuối tháng 5/2024, vườn sầu riêng hơn 400 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Viễn, ở thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp vẫn trĩu quả. Nếu không tìm hiểu, ít ai biết rằng, cách đây 4 năm, đây hoàn toàn là diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Theo ông Viễn, hồi đó, gia đình chưa đủ tiền. Cũng may, địa phương bình xét, NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay gần 100 triệu đồng. Lúc đó, gia đình mới mạnh dạn chặt bỏ cà phê già cỗi để trồng xen sầu riêng. Quá trình chăm sóc bài bản, vườn sầu riêng phát triển tốt. Dự tính, vụ mùa này, sau khi trừ chi phí, vườn sầu riêng mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng. “Nếu không có nguồn vốn bên ngân hàng chính sách giúp đỡ, tôi không làm được vườn này”, ông Viễn khẳng định.

Cách đó không xa, gia đình ông Phan Văn Coóng cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. “Gia đình vào đây từ năm 1996. Hồi đó nghèo lắm. Cũng nhờ nhiều năm liền được vay nguồn vốn từ NHCSXH, với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho tiêu và cà phê. Càng ngày, vườn cây phát triển, cho năng suất cao, từng bước mới thoát được cái nghèo”, ông Coóng chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp Phan Anh Tuấn, ngay khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Huyện đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản để triển khai thực hiện nội dung này. Địa phương đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt đến từng cán bộ đảng viên, tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao vai trò, nhận thức, cũng như thực hiện hiệu quả tín dụng tại cơ sở. Hàng năm, từ nguồn vốn hạn hẹp, địa phương đã ưu tiên trích ngân sách sang bổ sung NHCSXH huyện cho vay. Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách trên địa bàn gần 21 tỷ đồng, tăng rất cao so với năm 2014. Nguồn vốn tuy chưa lớn, nhưng thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh theo từng năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương càng ngày càng hoàn thiện.

Mang nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng

Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, sau 10 năm khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đã được kiện toàn một cách bài bản. Các cấp ủy, chính quyền nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Ngoài nguồn vốn Trung ương, hàng năm, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm trích ngân sách bổ sung qua NHCSXH rất sớm để cho vay. NHCSXH tập trung rà soát, bình xét, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Chính quyền các cấp đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc để ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng đạt hiệu quả. Cũng nhờ đó, chất lượng tín dụng được bảo đảm. Nợ quá hạn tại chi nhánh đến nay chỉ chiếm tỷ lệ 0,10% trong tổng dư nợ hơn 4.600 tỷ đồng.

Giám đốc Nguyễn Minh Hướng cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã chủ động tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành liên quan để triển một cách đồng bộ, bài bản. Chi nhánh chủ động thực hiện tốt công tác huy động vốn, chú trọng trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng. Chất lượng các Điểm giao dịch xã và hệ thống Tổ tiết kiệm vay vốn không ngừng được nâng cao, kiện toàn. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác các cấp tăng cường công kiểm tra, giám sát trong quá trình cho vay.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

image002

Nguồn vốn chính sách tiếp sức người dân Đắk Nông ổn định cuộc sống

Đắk Nông là địa bàn còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư sẽ là động lực rất lớn cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Đánh giá về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lưu Văn Trung khẳng định: Đây là chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước để chăm lo tốt hơn cho công tác xoá đói, giảm nghèo của người dân. Trong quá trình triển khai đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ngay sau khi được ban hành, tỉnh đã bắt tay vào cuộc ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch để thực hiện. Với sự đồng bộ, quyết liệt, Chỉ thị đã giúp người dân thay đổi về nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, xoá bỏ tư tưởng tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW. Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh sẽ chỉ đạo UBND các cấp ưu tiên dành nguồn lực ngân sách ủy thác cho NHCSXH tăng thêm nguồn vốn để làm sao có nhiều hộ dân hơn nữa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Để nâng cao hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tại Đắk Nông tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội quán triệt sâu rộng đến các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tỉnh tiếp tục ưu tiên xây dựng phương án bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn tiếp theo để ủy thác qua NHCSXH. Đến năm 2030, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm khoảng 15% trên tổng tổng dư nợ tại chi nhánh.

Có thể khẳng định, sau 10 năm, Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào thực tiễn đã góp phần tạo nguồn lực rất lớn cho tín dụng chính sách. Chỉ thị thực sự có ý nghĩa hơn khi được triển khai sâu rộng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Từ đây, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách từng bước được nâng cao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững. 

Bài và ảnh Nguyễn Lương

Các tin bài khác