Huyện Quỳ Châu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW

24/06/2024
(VBSP News) 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào công tác giảm nghèo cho người dân ở vùng miền núi.
quy chau

Mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi bò, trồng keo của gia đình bà Lữ Thị Hiệu (đứng giữa) ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh

Quỳ Châu là huyện thuộc miền núi với dân tộc Thái chiếm 80%, ngành kinh tế trọng điểm là nông, lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 42,15% dân số toàn huyện. Để hỗ trợ người dân trong công tác giảm nghèo, NHCSXH huyện Quỳ Châu và cấp ủy, chính quyền địa phương gắn với việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình vượt khó phát triển kinh tế.
Tiêu biểu như gia đình bà Lữ Thị Hiệu ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, trước đây là hộ nghèo của bản, cuộc sống khó khăn. Được NHCSXH cho vay, bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ đó, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình có kinh tế khá, hiện nay, gia đình bà đã có hơn 20 con bò và 7ha keo cho thu nhập trung bình mỗi năm 200 triệu đồng.
Bà Hiệu chia sẻ: “Từ khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng tôi thuộc diện gia đình khó khăn của bản vì không có vốn làm ăn. Nhưng được sự hỗ trợ, động viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn và NHCSXH huyện Quỳ Châu hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, gia đình tôi đã sử dụng nguồn vốn vay để làm ăn. Nay đời sống gia đình đã có kinh tế ổn định, không còn nghèo nữa. Vốn vay của NHCSXH là động lực để gia đình chúng tôi phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa trong thời gian tới”.
Cũng như gia đình bà Hiệu, gia đình bà Trần Thị Hường ở bản Poom Lầu, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu là gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Sau 2 năm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH để phát triển kinh tế, gia đình bà đã tập trung phát triển chăn nuôi bò, trồng trọt. Đến nay, kinh tế gia đình từng bước được cải thiện, đời sống ổn định hơn, có đàn bò hơn 10 con và có vườn trồng mía, trồng rau cho thu nhập đều đặn mỗi năm. Bà Hường cho biết: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn nguồn vốn của NHCSXH huyện Quỳ Châu. Với nguồn vốn đó, gia đình chúng tôi có thêm vốn để chăn nuôi bò, có thêm thu nhập cho gia đình và nuôi con ăn học”.
Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quỳ Châu đạt 544,1 tỷ đồng, tăng 344,9 tỷ đồng so với năm 2014, đã đầu tư đến 100% khối, bản với 18 chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện, cho gần 8,9 nghìn khách hàng vay vốn, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt cao, chất lượng ngày càng đi vào ổn định bền vững. NHCSXH huyện là một trong những đơn vị có chất lượng tốt nhất toàn tỉnh, công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, công tác tập huấn nghiệp vụ được chú trọng, hoạt động giao dịch tại xã được đảm bảo, công tác bình xét vay vốn được quan tâm, công tác xác nhận đối tượng vay vốn được đảm bảo chặt chẽ.
Doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Quỳ Châu giai đoạn 2014 - 2024  đạt 442 tỷ đồng, cho hơn 8.093 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Qua đó, giúp cho 1.423 hộ nghèo đã thoát nghèo, trên 4.071 hộ nghèo đã chuyển biến nhận thức và cách làm ăn nhưng chưa thoát nghèo, 127 HSSV có cơ hội học tập, 350 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn mua máy vi tính học tập trực tuyến, thu hút tạo việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương, xây dựng 1.266 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng sửa chữa 868 nhà ở cho hộ nghèo.
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quỳ Châu Lô Thanh Luận cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW đã giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn có bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, toàn diện, cơ bản. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tín dụng chính sách, từ đó, thường xuyên nâng cao vai trò trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo. Nguồn vốn đã góp phần nâng cao đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ thay đổi tư duy nhận thức, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi góp phần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP, du lịch trên địa bàn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 37% theo chuẩn mới, 31 bản, 2 xã về đích nông thôn mới; góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với sự quyết tâm vào cuộc, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã lan tỏa hoạt động tín dụng chính sách xã hội đến từng bản làng, nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách an toàn, hiệu quả. Có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.

Bài và ảnh Hà Thảo

Các tin bài khác