Nối tiếp giấc mơ học tập từ nguồn vốn chính sách
Gia đình chị Nguyễn Thị Bắp và anh Trần Anh ở tổ dân phố 3, là hộ nghèo kể từ năm 2008 và thường xuyên ốm đau, không có công việc ổn định, thu nhập chủ yếu để nuôi cả gia đình là nghề khai thác thủy, hải sản tại đầm Cầu Hai. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng các người con của anh chị đều rất ngoan và học giỏi. Đêm nằm không ngủ được, vợ chồng anh chị cứ suy nghĩ mãi không biết lấy tiền đâu để trang trải chi phí học tập cho các con sau khi học xong lớp 12.
Bà Hoàng Thị Thanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc cho biết: Năm 2011, chị Nguyễn Thị Bắp được Hội Phụ nữ thị trấn Phú Lộc hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH huyện cho người con trai thứ nhất trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng với số tiền vay trong 5 năm học là 45 triệu đồng. Đến năm 2015, người con thứ hai đỗ vào Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, chị Bắp lại vay vốn NHCSXH để con đi học trong 4 năm với số tiền 44 triệu đồng. Cứ như vậy, vào các năm 2018 và 2020, chị tiếp tục vay vốn cho người con thứ ba và thứ tư đi học Đại học với tổng số tiền là 175 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Bắp chia sẻ: Cuối năm 2022, gia đình chị đã chính thức thoát cận nghèo sau gần 15 năm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, người con thứ nhất và thứ hai đã ra trường và hoàn trả hết nợ cho NHCSXH huyện Phú Lộc. Chị mong muốn NHCSXH huyện tiếp tục tạo điều kiện để gia đình vay thêm vốn cho các con hoàn thành ước mơ học tập của mình, sau khi các con ra trường sẽ làm việc và dành dụm trả cho ngân hàng.
Còn tại xã Lộc Trì, tổng dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đến ngày 31/5/2024 là 1,2 tỷ đồng với 36 khách hàng đang còn dư nợ. Anh Nguyễn Thanh Tri ở thôn Đông Hải, vừa là khách hàng vừa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn gương mẫu của Hội Nông dân xã Lộc Trì. Trong quá trình đi thu lãi và tiết kiệm hằng tháng, anh Tri tuyên truyền cho các hộ gia đình khó khăn trong thôn có con đang học tại các trường Cao đẳng, Đại học làm hồ sơ vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH huyện và bản thân anh cũng vay vốn chương trình này cho người con đang học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
Anh Nguyễn Thanh Tri tâm sự: Năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gia đình anh gặp khó khăn về kinh tế, người con sau khi học xong lớp 12 có ý định nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, gia đình anh Tri vẫn quyết tâm cho con tiếp tục theo học để thay đổi cuộc sống sau này. Cũng nhờ nguồn vốn vay NHCSXH huyện mà gia đình anh thong thả hơn để lo cho con đi học.
Kể từ khi Quyết định số 157 ngày 27/9/2007 của Thủ tướng chính phủ về tín dụng đối với HSSV, NHCSXH huyện Phú lộc đã thực hiện cho vay 8.664 lượt hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con là HSSV theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học với số tiền giải ngân hơn 582 tỷ đồng. Thông qua chương trình đã giúp cho hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh có khăn trên địa bàn huyện có cơ hội tìm kiếm được các công việc ổn định sau khi ra trường, qua đó thay đổi cuộc sống gia đình và đặc biệt có một số trường hợp đã tình nguyện quay về địa phương công tác để góp phần xây dựng huyện Phú Lộc ngày càng phát triển.
Giám đốc NHCSXH huyện Lê Thanh Bình cho biết: Thời gian qua, để chương trình cho vay HSSV phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền giúp người dân hiểu về hoạt động tín dụng chính sách xã hội và nắm rõ chính sách cho HSSV nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi. Tạo điều kiện tốt nhất để các gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng này. Đảm bảo giải ngân nhanh chóng, kịp thời giúp HSSV giải quyết một phần các khoản đóng góp với nhà trường và chi phí trong sinh hoạt, học tập vào mỗi đầu kỳ học. Tiếp tục lan toả mục đích nhân văn của nguồn vốn vay HSSV, giúp con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục viết tiếp ước mơ tới trường.
Đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và thực sự đã đi vào cuộc sống, được toàn xã hội quan tâm, đồng thuận và ủng hộ. Qua đó, chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, là “phao cứu sinh” cho đại bộ phận các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Phú Lộc khi thực hiện ước mơ “đổi đời” cho thế hệ con cháu. Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực trí thức cho đất nước.
CTV
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới tại Bạc Liêu
- » Bước đột phá trong tín dụng chính sách ở Diễn Châu
- » Đòn bẩy trong giải quyết việc làm
- » Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
- » Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trên vùng đất khó Ia Pa
- » Nhân thêm sự hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội ở Tây Ninh
- » Tín dụng chính sách đồng hành, tạo đà phát triển kinh tế cho Kiên Giang
- » Chỉ thị số 40-CT/TW - “Kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Hưng Yên