Chỉ thị số 40-CT/TW - “Kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Hưng Yên
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 27/02/2015 về công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 36-CT/TU), UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Điểm nổi bật ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW và Chỉ thị số 36-CT/TU ban hành, công tác lãnh đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội được thống nhất, UBND các cấp quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH các cấp thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hằng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh; 10/10 đơn vị huyện, thị xã, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác để NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến hết tháng 4/2024, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt trên 295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,83% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời cho các đối tượng vay vốn, góp phần tiếp vốn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại Điểm giao dịch xã.
Trong 10 năm qua, chi nhánh đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng. Tính đến hết tháng 4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.321 tỷ đồng, tăng 124,8% so với năm 2014. Chi nhánh đã tích cực tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian cho người thụ hưởng, chi nhánh phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội ủy nhiệm qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm.
Đồng thời, thành lập 161 Điểm giao dịch tại 100% xã, phường, thị trấn. Mỗi Điểm giao dịch thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ các đối tượng ngay tại xã vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã trở thành điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong giai đoạn 2014 - 2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt trên 8.530 tỷ đồng, với 251.756 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng đã giúp 35.594 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 6.152 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 36.906 lao động có việc làm ổn định, 95 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 246.063 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng 1.815 căn nhà cho hộ nghèo, căn nhà ở xã hội. Đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 4.309 tỷ đồng với 72.320 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân đạt 59,59 triệu đồng/khách hàng.
Với “kim chỉ nam” là Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh NHCSXH tỉnh và NHCSXH các huyện, thị xã đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, đúng quy định; nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống Nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn “tín dụng đen”, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để Chỉ thị số 40-CT/TW tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chi nhánh NHCSXH tỉnh bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để duy trì ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; duy trì nền nếp hoạt động ở điểm giao dịch tại UBND xã, phường, thị trấn; thường xuyên phối hợp với chính quyền, đơn vị nhận ủy thác triển khai có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng.
Minh Nghĩa
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Kỳ II: Tô đậm tính nhân văn
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Kỳ I: Khi ý Đảng hợp lòng dân)
- » Hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách giảm nghèo ở tỉnh Vĩnh Long
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Phù Cát: Góp sức giảm nghèo hiệu quả
- » Miền núi Tân Kỳ đổi thay từ tín dụng chính sách
- » Giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- » Người dân Lý Sơn chủ động chuyển đổi nghề
- » Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân
- » Thị xã Hương Trà tích cực đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào thực tế cuộc sống