Giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc có diện tích tự nhiên 6.100km², có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 04 thành phố, 02 thị xã, 07 huyện; có 177 đơn vị hành chính cấp xã; Dân số trên 1,4 triệu người với 43 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và đối ngoại; tỉnh có gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, đến hết năm 2019 độ che phủ rừng đạt khoảng 54,75%, hệ sinh thái rừng tương đối phong phú, đa dạng. Việc quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp không chỉ đóng góp những giá trị về kinh tế - xã hội mà còn có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng nước và ứng phó với biến đồi khí hậu; phát triển du lịch, dịch vụ, bảo vệ quốc phòng an ninh của tỉnh.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 20 năm qua, chi nhánh đã cho 582.364 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền 12.587,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 9.004,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2023 đạt 4.757 tỷ đồng với 70.999 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh được tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả, lĩnh vực cho vay trồng rừng phát triển lâm nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy được lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp đến cuối năm 2023 đạt 863 tỷ đồng với 14.523 khách hàng vay vốn, chiếm 18% tổng dư nợ của chi nhánh. Bên cạnh đó theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh không còn xã thuộc diện vùng khó khăn nên các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn này không còn được thụ hưởng chính sách vay vốn chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
Thực tế đó đòi hỏi phải có một nghiên cứu cụ thể để đánh giá vai trò, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong việc phát triển lâm nghiệp bền vững, từ đó đề xuất các giải pháp mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cần phải có chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích phát triển lâm nghiệp trong đó chính sách cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương để khuyến khích phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là hết sức cần thiết.
Trong phạm vi giới hạn giai đoạn 2019 - 2023, nhóm nghiên cứu đề tài đã giới thiệu tổng quan về tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp, cũng như đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm mở rộng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Số liệu sử dụng trong đề tài được nhóm nghiên cứu được phân tích, đánh giá trên cơ sở kết quả cho vay của NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2023, kết quả phỏng vấn các hộ dân sau khi vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền cấp xã về tác động các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với lĩnh vực lâm nghiệp.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Nhóm nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để đưa kết quả đề tài ứng dụng vào thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Đề tài đã đạt được Hội đồng Khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Giỏi.
PV
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Người dân Lý Sơn chủ động chuyển đổi nghề
- » Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân
- » Thị xã Hương Trà tích cực đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào thực tế cuộc sống
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở huyện Nông Cống
- » Nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn TP Hà Nội
- » Tín dụng chính sách khơi dậy ý chí thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn
- » Tín dụng chính sách sát cánh cùng người dân
- » Tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
- » Hội Phụ nữ Long Phước triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW