Người dân Lý Sơn chủ động chuyển đổi nghề
Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó, chính quyền huyện Lý Sơn có chủ trương không phát triển chăn nuôi trên địa bàn từ nhiều năm nay. Huyện đã quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung, không còn tình trạng thả rông như trước. Bên cạnh đó, nhiều người không có điều kiện để đóng tàu thuyền đi biển. Vì vậy, để phát triển kinh tế, nhiều người dân ở Lý Sơn đã chủ động chuyển đổi từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang các ngành nghề thương mại, dịch vụ.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc ở thôn Đông An Vĩnh chỉ làm nông cùng với gia đình. Diện tích đất ít nên gia đình chị phải thuê thêm đất của người khác để trồng hành, tỏi. Nhận thấy khách du lịch đến Lý Sơn ngày càng nhiều, chị Ngọc đã đi học lớp sơ chế thức uống và đầu tư mở quán bán cà phê, nước giải khát. Chị Ngọc chia sẻ, việc buôn bán của tôi thuận lợi, giúp kinh tế gia đình vững vàng hơn. Sắp tới, tôi sẽ vay vốn đầu tư thêm bàn ghế, sửa sang lại quán đẹp hơn.
Không riêng gì chị Ngọc mà rất nhiều người dân ở Lý Sơn đã chuyển đổi nghề nghiệp. Tùy theo sở thích, điều kiện mà mỗi người chọn ngành nghề phù hợp. Trong đó, người trẻ sẽ chọn kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quày thuốc tây, dịch vụ lưu trú… Còn những người lớn tuổi chọn mở quán ăn sáng, bán hàng tạp hóa…
NHCSXH huyện Lý Sơn đã đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giúp người dân trên đảo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chuyển đổi nghề nghiệp. Anh Lê Hùng Nam ở thôn Đông An Vĩnh, đã vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để mở quày thuốc tây và buôn bán thêm một số sản phẩm như sữa, mỹ phẩm… Anh Nam cho biết: “Để có đủ điều kiện mở quày bán thuốc tây, vợ tôi đi học chứng chỉ hành nghề dược. Vợ chồng tôi đã vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư quày thuốc tây và buôn bán nhỏ. Cũng nhờ nguồn vốn lãi suất thấp này mà vợ chồng tôi có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập”.
Giám đốc NHCSXH huyện Lý Sơn Trần Văn Nam cho biết: Phòng giao dịch luôn tạo mọi điều kiện để người dân trên đảo vay vốn chuyển đổi nghề, phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Đa số khách hàng đều được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, kinh doanh vùng khó khăn với mức vay cao nhất trong khung cho phép là 100 triệu đồng/hộ. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện khoảng 153 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 11 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Bài và ảnh Hồng Hoa
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân
- » Thị xã Hương Trà tích cực đưa Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào thực tế cuộc sống
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở huyện Nông Cống
- » Nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn TP Hà Nội
- » Tín dụng chính sách khơi dậy ý chí thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn
- » Tín dụng chính sách sát cánh cùng người dân
- » Tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
- » Hội Phụ nữ Long Phước triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Sóc Trăng nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách