Miền núi Tân Kỳ đổi thay từ tín dụng chính sách

14/06/2024
(VBSP News) Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới ở nhiều địa phương.
tan-ky-2

Cán bộ NHCSXH huyện Tân Kỳ kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo xã Tân Hợp

Tạo động lực, khơi dậy tinh thần thoát nghèo
Tân Kỳ là một trong 11 huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90km. Những ai từng đến Tân Kỳ sẽ không quên những con đường xuyên rừng, lượn đồi của 2 thập niên về trước. Hồi ấy, miền quê Tân Kỳ chỉ toàn đường đất đỏ bụi mù mịt vào mùa nắng, sình lầy vào mùa mưa. Không chỉ có riêng các tuyến đường “khổ ải” mà hầu hết 50 nghìn hộ dân Kinh, Thái, Thổ… ở 22 xã, thị trấn trên địa bàn cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn, sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực tế đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã đoàn kết  tìm các giải pháp phù hợp mở hướng đưa quê hương từng bước đi lên trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Dù gặp không ít khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh COVID-19, các chỉ tiêu về kinh tế của Tân Kỳ vẫn hoàn thành đúng kế hoạch, lĩnh vực an sinh xã hội luôn được đảm bảo… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 7,52%. Diện mạo nông thôn miền núi thay đổi từng ngày; đời sống vật chất của đồng bào các DTTS được nâng lên, hộ khá, giàu ngày càng nhiều.
Theo Bí thư huyện ủy huyện Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo, đạt được những kết quả kỳ diệu này không thể phủ nhận, đó là việc cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, tạo “động lực” đánh thức khát vọng, ý chí thoát nghèo của người dân ở nơi gian khó thuộc miền tây xứ Nghệ.
Tín dụng chính sách phủ khắp làng quê Tân Kỳ
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện đóng góp vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Giám đốc NHCSXH huyện Phan Thanh Tú cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH huyện Tân Kỳ đã tập trung huy động được nguồn lực tài chính lớn và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, UBND huyện và các xã, thị trấn đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH số tiền là 4.666 triệu đồng, góp phần nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn đạt 649.744 triệu đồng, với 11.552 hộ còn dư nợ.
Vốn tín dụng chính sách đã phủ kín huyện Tân Kỳ, tạo điều kiện thuận tiện hỗ trợ 35.280 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp cho 3.252 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho 2.250 lao động, giúp cho 8.649 HSSV vay được vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 9.393 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn; sửa chữa, làm nhà ở kiên cố cho nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn.
Cùng đó, nguồn vốn chính sách còn chung sức nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên 38,5 triệu đồng/người/năm (năm 2022), tăng hơn 11 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó, góp phần tạo sự sức bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại đạt năng suất, thu nhập cao.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Tân Kỳ đã khởi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức giảm nghèo của người dân và huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, vùng miền núi trên miền Tây Nghệ An đã xích lại gần với miền xuôi, nghèo khó đang được đẩy lùi dần. Cuộc sống đồng bào các DTTS dần ổn định và nâng cao hơn.
Cuộc hành trình của tín dụng chính sách trên miền núi Tân Kỳ vẫn tiếp diễn bền bỉ, NHCSXH huyện luôn dốc sức chung lòng, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn về các làng quê, thôn xóm; tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, phục vụ đắc lực các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Uyên

Các tin bài khác