Làm rõ vướng mắc, giải pháp, sự lồng ghép trong thực hiện chính sách tín dụng với mục tiêu thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

16/06/2023
(VBSP News) Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vào sáng 16/6, tại Nhà Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng Báo cáo đã bám sát yêu cầu của Đoàn, tuy nhiên đề nghị NHNN Việt Nam và NHCSXH làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tín dụng thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.
160620231253-dsc_3857

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đề nghị NHNN làm rõ thêm về hạn chế trong chính sách hỗ trợ cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo đánh giá của Tổ Công tác đối với báo cáo của NHNN Việt Nam về việc triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Tổ Công tác cho biết, so với các cơ quan khác của Chính phủ, NHNN Việt Nam thực hiện ít nhiệm vụ nhất trong các CTMTQG.

Trong đó, NHNN chỉ thực hiện chủ trì 1 nhiệm vụ xây dựng Nghị định của Chính phủ về tín dụng ưu đãi thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Hai CTMTQG còn lại, NHNN chỉ đạo giao phối hợp thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tín dụng chính sách đối với các CTMTQG. Tổ Công tác thấy rằng, NHNN đã rất chủ động tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao này.

Về tính kịp thời, đầy đủ và tác động của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đối tượng, phạm vi thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP còn hạn chế, bị giới hạn chủ yếu là hộ nghèo DTTS là chưa đúng theo tinh thần, quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tổ Công tác đề nghị NHNN báo cáo làm rõ thêm về việc triển khai đầy đủ các Nghị quyết của Quốc hội và những vấn đề hạn chế này.

Về chính sách hỗ trợ cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Tổ Công tác cho rằng, đối tượng thụ hưởng tập trung chủ yếu vẫn là hộ nghèo DTTS, ngoạị trừ chính sách cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Tuy nhiên, chính sách này lại bị giới hạn phạm vi tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

160620231225-dsc_3579---nguyễn-lâm-thành

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Tổ trưởng Tổ Công tác

Tổ Công tác nhận thấy, việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng như Nghị định sẽ dẫn đến một bộ phận lớn người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách kịp thời để tham gia các dự án phát triển của vùng, miền, do đó chưa tạo động lực, khuyến khích đồng bào mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sự chuyển biến đột phá cho vùng. Do đó, Tổ Công tác đề nghị NHNN báo cáo làm rõ thêm về những hạn chế nêu trên, quan điểm của NHNN về vấn đề này.

Tổ Công tác cũng đề nghị NHNN cho biết, đến năm 2025 có đạt chỉ tiêu giải ngân theo kế hoạch bố trí nguồn vốn dành cho tín dụng chính sách là 19.717 tỷ đồng như Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định hay không?

Đề nghị NHCSXH làm rõ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách

Đối với NHCSXH, Tổ Công tác cho rằng, nội dung tín dụng chính sách hiện nay đã được mở rộng, đổi mới về nội dung, hình thức, trong đó không chỉ hướng đến đối tượng hộ nghèo, cận nghèo mà còn cho vay theo dự án, vay theo chuỗi giá trị, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng cho vay là phù hợp, tuy nhiên, Tổ Công tác đề nghị cần phải có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện và hướng dẫn, tuyên truyền để các đối tượng (dự án, tổ hợp tác, hợp tác xã) biết và tiếp cận được với chính sách này, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã đang hoạt động ở vùng DTT&MN. Tổ Công tác đề nghị NHCSXH báo cáo làm rõ thêm vấn đề này, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách này thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.

Tổ Công tác đề nghị NHCSXH làm rõ thêm chính sách tín dụng hiện nay đã có đổi mới chưa, làm rõ về việc triển khai mở rộng chính sách và đối tượng cho vay, chính sách và đối tượng được mở rộng như thế nào so với trước.

Về vốn và phân bổ vốn, Tổ Công tác đề nghị NHCSXH báo cáo rõ nguyên nhân tại sao chưa bố trí nguồn vốn chính sách tín dụng, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Đồng thời đánh giá, làm rõ với đối tượng, chính sách trong các CTMTQG như hiện nay thì nguồn vốn tín dụng hiện tại của NHCSXH đáp ứng bao nhiêu phần trăm, mức độ thiếu hụt thế nào?

160620231220-dsc_3547---thành-viên-doàn-giám-sát

Các thành viên của Đoàn giám sát

Đánh giá cao Báo cáo của NHNN và NHCSXH bám sát đề cương, yêu cầu

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của NHNN và NHCSXH bám sát đề cương, yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo đã chỉ rõ được nội dung, phạm vi, thẩm quyền của của NHNN, NHCSXH trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao trong các CTMTQG, phân tích được các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ này. Đồng thời các ý kiến cũng bày tỏ thống nhất với Báo cáo đánh giá của Tổ Công tác.

Góp ý vào Báo cáo của NHNN và NHCSXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, NHNN không trực tiếp chủ trì các dự án thành phần mà được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các Ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình. Kết quả báo cáo rất tích cực trong việc thực hiện chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị NHNN cập nhật số liệu đến tháng 6/2023, bóc tách tỉ lệ tín dụng của người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phục vụ tiêu dùng trong lĩnh vực nông thôn. Đồng thời đề nghị NHNN đánh giá cụ thể hơn về tình hình trả nợ vay của người dân, doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị NHNN phân tích cụ thể hơn về việc triển khai các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua, nhất là về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 55 và Nghị định số 116 của Chính phủ.

160620231228-dsc_3581---phó-chủ-nhiệm-ủy-ban-kinh-tế-doàn-thị-thanh-mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao NHNN và NHCSXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước có hạn, đặc biệt NHCSXH đã thực hiện mục tiêu vượt bậc so với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho rằng, nổi lên trong việc thực hiện các chương trình chính sách tín dụng xã hội là vấn đề thiếu vốn. Trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, không có nguồn vốn để hỗ trợ cho vay nhằm giải quyết việc làm, thực hiện chương trình cho vùng đồng bào DTTS&MN. Đại biểu Lâm Văn Đoan băn khoăn NHCSXH giải quyết vấn đề này thế nào khi không bố trí được nguồn vốn thực hiện. Đây cũng là vướng mắc với nhiều chương trình tín dụng mà NHCSXH đang thực hiện.

Chia sẻ với NHNN và NHCSXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nhận thấy, chúng ta đã thiếu khuôn khổ pháp lý ở cấp đạo luật, hỗ trợ nguồn vốn để các ngân hàng triển khai thực hiện. Nếu kế hoạch đầu tư công trung hạn không bố trí được nguồn vốn, không tháo gỡ được thì các ngân hàng không thực hiện được.

Xuất phát từ việc thiếu vốn nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan nhìn nhận vấn đề này là do vướng mắc từ các đạo luật, đặc biệt Luật Đầu tư công chậm được sửa đổi, giải ngân vốn đầu tư công ở 3 CTMTQG đều vướng mắc, bên cạnh đó việc áp dụng Luật Đầu tư công giữa 3 CTMTQG cũng khác nhau. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị Chính phủ trình Quốc hội để cho ý kiến về vấn đề này nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

Góp ý vào các Báo cáo này, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các ngân hàng làm rõ Nghị định số 28 của Chính phủ đến nay có gì vướng mắc về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Qua thực hiện các chính sách hỗ trợ thì có hạn chế, bất cập gì cần tháo gỡ; những chính sách pháp luật nào đang là rào cản trong việc thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, Nghị quyết số 88 và số 120 của Quốc hội.

Tại cuộc làm việc, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình làm rõ một số nội dung lớn thuộc trách nhiệm của NHNN mà các thành viên của Đoàn giám sát đã nêu như về vấn đề lồng ghép tín dụng chính sách, về nguồn vốn, vấn đề tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời giải trình, làm rõ ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về đối tượng thụ hưởng, phạm vi chính sách theo Nghị định số 28 của Chính phủ còn hạn chế; làm rõ băn khoăn vấn đề về đạt chỉ tiêu giải ngân hơn 19 nghìn tỷ đồng hay không…

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát để hoàn thiện Báo cáo của NHNN.

Đề nghị đánh giá kỹ hơn sự lồng ghép chính sách tín dụng với mục tiêu thực hiện 3 CTMTQG

160620231252-dsc_3850

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo của Tổ Công tác. Tuy nhiên đề nghị Tổ Công tác đánh giá kỹ hơn sự lồng ghép các chính sách tín dụng, công cụ tín dụng với mục tiêu thực hiện 3 CTMTQG, qua đó thấy được đóng góp của Ngành ngân hàng nói chung và của NHNN, NHCSXH nói riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng ghi nhận đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.  Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết bước đầu triển khai chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS&MN tương đối rõ, chính sách tín dụng rất tích cực, hướng đến đối tượng của 3 CTMTQG, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, bất cập của NHNN và NHCSXH đang gặp phải như tính rủi ro tín dụng cao…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, NHNN và NHCSXH và các Bộ, ngành bổ sung đánh giá sự lồng ghép các chính sách tín dụng của nền kinh tế trong việc thực hiện mục tiêu 3 CTMTQG.

Thứ hai, rà soát các kiến nghị, có tham mưu cho Chính phủ, nhất là rà soát sửa đổi các văn bản, không để chậm, chồng chéo, mâu thuẫn các chính sách như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ chuỗi sản xuất…

Thứ ba, về đề xuất nguồn vốn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu đặt ra, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp.

Thứ tư, đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, mức vay, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là ưu đãi nhiều hơn nữa cho 3 CTMTQG.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho NHNN, NHCSXH.

Thứ sáu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trong thời gian tới cần đề xuất thiết kế một chương riêng về NHCSXH. Đây là yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp thu nội dung này.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

160620231204-dsc_3480---pct-trần-quang-phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị NHNN và NHCSXH và các Bộ, ngành bổ sung đánh giá sự lồng ghép các chính sách tín dụng của nền kinh tế trong việc thực hiện mục tiêu 3 CTMTQG

160620231207-dsc_3485

Các thành viên Đoàn giám sát

160620231217-dsc_3518---chủ-nhiệm-ủy-ban-xã-hội-nguyễn-thúy-anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh điều hành nội dung thảo luận

 

160620231244-dsc_3715---chủ-nhiệm-ủy-ban-kinh-tế-vũ-hồng-thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, chính sách hỗ trợ cho vay đất ở, đất sản xuất theo Nghị định 28 của Chính phủ vướng mắc cái gì, vướng ở đâu, thuộc thẩm quyền cơ quan nào? Đề nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của Nghị định 28 của Chính phủ

160620231216-dsc_3514

Đại diện các Bộ, ngành Trung ương tham dự cuộc làm việc

160620231219-dsc_3537---thống-dốc-ngân-hàng-nhà-nước-việt-nam-nguyễn-thị-hồng

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

160620231222-dsc_3551---tổng-giám-dốc-ngân-hàng-chính-sách-xã-hội-dương-quyết-thắng

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng

160620231229-dsc_3598---phó-chủ-nhiệm-ủy-ban-xã-hội-lâm-văn-doan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đánh giá cao NHNN và NHCSXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước có hạn, đặc biệt NHCSXH đã thực hiện mục tiêu vượt bậc so với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

160620231212-dsc_3507

Các đại biểu tại cuộc làm việc

160620231231-dsc_3604---trần-văn-tiến---doàn-vĩnh-phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các Ngân hàng làm rõ Nghị định số 28 của Chính phủ đến nay có gì vướng mắc về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

160620231232-dsc_3621---bùi-thị-quỳnh-thơ----doàn-hà-tĩnh

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

160620231234-dsc_3624---phó-chủ-nhiệm-ủy-ban-xã-hội-dỗ-thị-lan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan

160620231239-dsc_3663---tạ-thị-yên

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên

160620231246-dsc_3728

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

160620231247-dsc_3752

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh

160620231249-dsc_3766

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc

160620231250-dsc_3817

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình làm rõ một số nội dung lớn thuộc trách nhiệm của NHNN mà các thành viên của Đoàn giám sát đã nêu như về vấn đề lồng ghép tín dụng chính sách, về nguồn vốn, vấn đề tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn…

Bích Ngọc - Phạm Thắng thực hiện

Các tin bài khác