Bước đột phá trong công tác thu hồi nợ, nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Tây Nam Bộ

07/06/2023
(VBSP News) Là năm tổng kết giai đoạn 2 (2021 - 2023) thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng (CCNCCLHĐ, CLTD), ngay từ những tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo CCNCCLHĐ, CLTD các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của HĐQT NHCSXH, Tổng Giám đốc NHCSXH, định hướng đã đề ra để thực hiện tốt công tác CCNCCLHĐ, CLTD. Đồng thời, đề ra biện pháp mới trong việc thu hồi nợ, bảo toàn nguồn vốn của Chính phủ và địa phương để có nền tảng phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn chính sách trong đời sống.
tgd

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác CCNCCLHĐ, CLTD

Bức tranh tín dụng sáng dần
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác CCNCCLHĐ, CLTD vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 05/6, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận - Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: 5 tháng đầu năm 2023, thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp CCNCCLHĐ, CLTD giai đoạn 2021 - 2023 theo phương án, đề án được phê duyệt. Như tham mưu Tổng Giám đốc ban hành văn bản và chỉ đạo các chi nhánh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Ban hành cơ chế chi trả phí ủy thác đặc thù cho tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang; Nghiên cứu xây dựng phương án rà soát và xử lý hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

hn2

Các đại biểu dự Hội nghị

Theo đó, phương án mang tính mở rộng phạm vi rà soát và phối hợp với các Bộ, ngành để kết nối cơ sở dữ liệu dân cư; Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023, trong đó tập trung chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro đối với khoản nợ vay đủ điều kiện xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đặc biệt, Ban chỉ đạo thường xuyên phân tích đánh giá kết quả công tác CCNCCLHĐ, CLTD để xác định tiến độ triển khai so với kế hoạch, nắm bắt tồn tại khó khăn, điều chỉnh các giải pháp phù hợp, trong đó, tập trung rà soát phân tích hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú…
Trong 5 tháng đầu năm 2023, chất lượng hoạt động tín dụng tại khu vực Tây Nam Bộ có sự chuyển biến tích cực. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương ở 5 tỉnh đạt trên 1.211 tỷ đồng, tăng hơn 146 tỷ đồng so với 31/12/2022. Trong đó, Kiên Giang tăng 51,4 tỷ đồng, Bạc Liêu tăng 37,2 tỷ đồng, Cà Mau tăng 26,1 tỷ đồng, An Giang tăng 18,6 tỷ đồng, Sóc Trăng tăng 12,9 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách đã giúp cho gần 23,3 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hỗ trợ, tạo việc làm cho 13.358 lao động, 216 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 2.010 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho 42 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; xây dựng 76 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 166 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng theo Nghị định 100; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 80 khách hàng là hộ DTTS vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Tỷ lệ thu lãi trong 5 tháng đầu năm 2023 của các chương trình cho vay giải ngân từ khi thực hiện phương án, đề án đạt tỷ lệ cao (An Giang 107,69%; Kiên Giang 101,91%; Cà Mau 100,51%; Bạc Liêu đạt 99,58%; Sóc Trăng 99,35%).
Hóa giải nợ quá hạn từ giải quyết căn nguyên nợ quá hạn
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận: Các đơn vị đều chưa đạt đủ các chỉ tiêu định hướng, cần tiếp tục thực hiện. Còn nhiều xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%,…
Bên cạnh đó, nhiều Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tuy giảm nợ quá hạn nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ nợ khoanh của 5 chi nhánh còn cao so với bình quân chung toàn quốc 0,46%. Đặc biệt, việc hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua.
Trước thực trạng này, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng từng khoản vay, tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2023 và tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ban chỉ đạo đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, nhận diện, phê duyệt đối tượng cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, tránh tình trạng trục lợi chính sách; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi nhánh NHCSXH tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp.
Đặc biệt, sau quá trình nghiên cứu xây dựng phương án rà soát và xử lý hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú tại một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, Ban chỉ đạo đã phối hợp với các Bộ ngành mở rộng phạm vi rà soát hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú bằng việc thông qua kết nối cơ sở dữ liệu dân cư. Ban chỉ đạo cùng với chi nhánh NHCSXH các tỉnh đã đưa ra những sáng kiến, giải pháp thu hồi nợ mới với các hộ bỏ đi khỏi địa phương. Đó là ủy thác cho NHCSXH tại địa phương người vay chuyển đến thu nợ hộ chi nhánh NHCSXH tỉnh nơi cho vay.
Ngày 05/6/2023, được sự chấp thuận của Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh NHCSXH các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ và khu vực Đông Nam Bộ đã cùng nghiên cứu và tham gia thảo luận về hướng dẫn xử lý hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú để triển khai có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, 5 chi nhánh NHCSXH các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã thống nhất chuyển giao thu hồi nợ của các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú cho chi nhánh NHCSXH các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - nơi hộ vay chuyển đến sinh sống, làm việc.
Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu nhất trí việc chuyển giao này sẽ góp phần tăng khả năng thu nợ và giảm chi phí thu hồi nợ đối với các hộ dân bỏ đi khỏi nơi cư trú. Thực tế này cũng đã được minh chứng trong việc thí điểm thời gian qua không chỉ ở khu vực Tây Nam Bộ mà ngay tại TP Hồ Chí Minh.

Bên lề Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đã có buổi khảo sát thực tế tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).
Theo báo cáo, tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa phương trên toàn quận Gò Vấp có 172 khách hàng với dư nợ 1.667 triệu đồng. Trong đó, số hộ xác định được nơi cư trú mới là 7 hộ, dư nợ 90 triệu đồng; số hộ chưa có thông tin cụ thể là 165 khách hàng, dư nợ 1.577 triệu đồng. Đối với hộ xác minh được địa chỉ nơi cư trú nhưng không liên hệ được hộ vay hay hộ vay không chấp hành nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng thì tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương lập hồ sơ bàn giao cho cán bộ theo dõi địa bàn của NHCSXH nơi cho vay. Căn cứ vào hồ sơ trên, NHCSXH nơi cho vay chủ động gửi văn bản đề nghị và ủy quyền cho NHCSXH nơi hộ vay hiện đang cư trú hỗ trợ thu hồi nợ của khách hàng. Tùy vào tình hình thực tế của hộ vay tại nơi cư trú mới mà NHCSXH tại nơi khách hàng chuyển đến có biện pháp xử lý thích hợp.

hn3

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng (ảnh giữa) trao đổi với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn phường 5, quận Gò Vấp

Ghi nhận những nỗ lực của Ban chỉ đạo và chi nhánh NHCSXH các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ trong công tác xử lý nợ quá hạn; đặc biệt thu hồi nợ với đối tượng vay bỏ đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, để công tác thu nợ hiệu quả hơn với đối tượng này, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu cần tăng tính chủ động hơn nữa. Trong đó, thành viên Ban chỉ đạo tại Trung ương chủ động nắm bắt tình hình tại các địa phương; Kết nối với các cơ quan liên quan để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ chi nhánh trong việc rà soát, quản lý, xử lý nợ đối với khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú; Hoàn thiện văn bản về hướng dẫn xử lý nợ đối với hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú.
NHCSXH nơi cho vay và NHCSXH nơi hộ được đề nghị hỗ trợ rà soát thường xuyên hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, hộ vay đến cư trú tại địa phương để nắm bắt thông tin; Chủ động nhập thông tin hộ vay chính xác lên hệ thống thông tin báo cáo làm cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, báo cáo kịp thời chính quyền địa phương các hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú đến cư trú tại địa phương để hỗ trợ trong việc quản lư và xử lư nợ theo từng trường hợp cụ thể.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023 cần phải tập trung triển khai các giải pháp CCNCCLHĐ, CLTD giai đoạn 2021 - 2023 theo phương án, đề án đã phê duyệt. Trong đó, cần thường xuyên phân tích, đánh giá kết quả việc triển khai các giải pháp thực hiện công tác CCNCCLHĐ, CLTD trong năm 2023 để tiếp tục nâng cao chất lượng cho vay, tổ chức giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng, đảm bảo 100% khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay đều được đáp ứng vốn phù hợp với phương án đầu tư; Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác thu hồi nợ thông qua việc thường xuyên theo dõi, đánh giá các món vay 3 tháng trở lên không hoạt động, nợ quá hạn, nợ khoanh; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ khoanh đến hạn; tiếp tục đôn đốc hộ vay tham gia gửi tiền gửi tổ viên hằng tháng, trả nợ theo phân kỳ để giảm áp lực trả nợ khi đến hạn.
Chi nhánh NHCSXH các tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc xác nhận, phê duyệt đối tượng thụ hưởng, kiểm tra giám sát; tổ chức triển khai các giải pháp quản lý, xử lý nợ theo từng nhóm nợ, đặc biệt là nhóm nợ khoanh. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách,… “Các đơn vị được tăng cường tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời báo cáo Tổng Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong phương án, đề án củng cố trong thời gian tới”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.

Việt Hải thực hiện

Các tin bài khác