Tiếp tục tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại Tây Nam Bộ

29/04/2021
(VBSP News) Chiều ngày 28/4/2021, tại Hà Nội, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau trong quý I/2021 và phương hướng triển khai nhiệm vụ quý II.
6X0A0421

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo

Tham dự cuộc họp có Ủy viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát NHCSXH Nguyễn Mạnh Tú; các Phó Tổng Giám đốc; Giám đốc các Ban CMNV cùng các thành viên Ban chỉ đạo tại một số chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh hoạt động kinh tế - xã hội, ngành Ngân hàng nói chung, NHCSXH nói riêng đang chịu ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu năm 2021, chi nhánh NHCSXH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang đã bám sát Nghị quyết của HĐQT NHCSXH, chỉ đạo Tổng Giám đốc về tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của NHCSXH trong năm 2021 để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động; trong đó, tăng cường giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Đến 31/3/2021, tại Bạc Liêu, tổng nguồn vốn đạt hơn 2.171 tỷ đồng; doanh số cho vay quý I/2021 đạt hơn 100,3 tỷ đồng với 3.518 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 2.167 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ đồng so với 31/12/2020 (+0,5%), với 87.082 khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 1,38% tổng dư nợ, giảm 0,19% so thời điểm 31/12/2020.
Đối với Sóc Trăng, tổng nguồn vốn đạt trên 3.711 tỷ đồng; doanh số cho vay trong quý I/2021 đạt hơn 158 tỷ đồng với 5.560 lượt khách hàng vay vốn. tổng dư nợ đạt hơn 3.703 tỷ đồng, tăng 7,3 tỷ đồng (+0,2%) so với 31/12/2020, với 105.130 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm 0,77% tổng dư nợ.
Tại Kiên Giang, tổng nguồn vốn đạt hơn đạt trên 3.782 tỷ đồng; doanh số cho vay trong quý I/2021 đạt hơn 238,1 tỷ đồng với 8.087 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ  đạt trên 3.766 tỷ đồng, tăng 34,5 tỷ đồng (+0,93%) so với 31/12/2020, với 149.130 khách hàng còn dư nợ.
Còn tại tỉnh Cà Mau, tổng nguồn vốn đạt hơn 2.820 tỷ đồng; doanh số cho vay trong quý I/2021 đạt hơn 153 tỷ đồng, với 6.350 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 2.833 tỷ đồng, tăng 40,5 tỷ  đồng (+1,5%) so với 31/12/2020, với 121.575 khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm 0,65% tổng dư nợ, giảm 0,01% so với 31/12/2020.
Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến 31/3/2021, ngân sách địa phương ủy thác tại 4 tỉnh tăng 133,34 tỷ đồng so với năm 2020 (trong đó, Bạc Liêu tăng 20,15 tỷ đồng, đạt 155% kế hoạch, Sóc Trăng tăng 7,5 tỷ đồng, Kiên Giang tăng 42,1 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch, Cà Mau tăng 63,7 tỷ đồng, đạt 319% kế hoạch).

6X0A0463a

Quang cảnh phiên họp

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021, Tổng Giám đốc yêu cầu 4 đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm tham mưu UBND các cấp chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tiếp tục chủ động tham mưu Chủ tịch UBND xã tăng cường chỉ đạo Trưởng thôn/ấp, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác tín dụng chính sách trên địa bàn. Chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hoạt động của Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay; Từng bước bàn giao việc quản lý tín dụng trên địa bàn cho Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo cấp xã để địa phương tự quản về nguồn vốn và chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, nắm bắt diễn biến dịch bệnh Covid-19, tình hình xâm ngập mặn tại từng địa bàn, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng vay vốn để triển khai rà soát thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại. Đồng thời, chủ động báo cáo kịp thời nội dung này cho UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, vận động tổ viên tham gia gửi tiền gửi tổ viên định kỳ nhằm nâng tỷ lệ tổ viên tham gia, duy trì số dư định kỳ hàng tháng để tạo nguồn trả nợ, trả lãi theo cam kết; tuyên truyền để thay đổi căn bản và triệt để hơn nhận thức của người dân về quan hệ tín dụng “có vay - có trả”, hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.

PV

Các tin bài khác