Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030”

19/03/2021
(VBSP News) Ngày 19/3/2021, tại Hà Nội, NHCSXH phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng chủ trì Hội thảo có: Phó Bí thư Ban cán Đảng NHNN Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Uỷ viên HĐQT NHCSXH Đào Minh Tú; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Uỷ viên HĐQT NHCSXH Thào Xuân Sùng; Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban dân tộc Y Thông; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh; Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng Đào Minh Phúc.
KDK_0017

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, hoạt động của NHCSXH luôn đảm bảo ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước theo đúng mục tiêu, định hướng được đề ra. Các chương trình tín dụng chính sách đã bao phủ hầu khắp các đối tượng yếu thế trong xã hội. NHCSXH đã phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước, kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam, nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

KDK_0101

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.426 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2020. Tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.197 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong giai đoạn 2011 - 2020, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2016) xuống dưới 3% (cuối năm 2020).

1a

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội thảo

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. NHCSXH đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, việc xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 cần đưa ra các mục tiêu, định hướng, giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của NHCSXH trong những năm vừa qua, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, chia sẻ của các Ban, Bộ ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia tài chính - ngân hàng đến từ các tổ chức, viện nghiên cứu. Các đại biểu có đồng quan điểm, định hướng tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn tới tiếp tục là giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy, cần phải tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả chính sách này. Hướng tới tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH. Phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

44

Quang cảnh Hội thảo

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra khuyến nghị chính sách, giải pháp liên quan đến mô hình tổ chức, vai trò và phương thức hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn tới;  Nguồn lực và các kênh huy động, đảm bảo tài chính cho hoạt động của NHCSXH, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách; Quy mô các chương trình tín dụng chính sách cần bao phủ đến đối tượng yếu thế, người nghèo và đặc biệt giai đoạn tới cần tính đến các đối tượng chính sách tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Đánh giá cao và trân trọng với những ý kiến tham luận của các đại biểu, các chuyên gia tài chính - ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là cơ sở để NHCSXH hoàn thiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 nhằm phát huy hiệu quả cao hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng trong thời gian tới.

PV

Các tin bài khác