Nỗ lực đảm bảo ổn định chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ

22/02/2023
(VBSP News) Chiều 22/2, tại Cần Thơ, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo đánh giá các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại NHCSXH các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
2

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo

Trước đó, Đoàn công tác của NHCSXH đã tổ chức khảo sát đánh giá kết quả thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại 5 tỉnh Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang). Thực tế cho thấy những bước chuyển mới về củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng đã tăng lên đáng kể so với năm 2021. Tuy nhiên, so với đích đến đặt ra trong năm 2023 tại Đề án cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023 vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần đốc thúc cũng như tháo gỡ khó khăn để triển khai trong giai đoạn tới.
Trong năm 2022, Ban chỉ đạo tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023 theo Đề án được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích, đánh giá kết quả triển khai các giải pháp thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Ban chỉ đaọ thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng qua nhiều hình thức trực tuyến/trực tiếp với sự tham gia của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn tồn tại và đưa ra các giải pháp phù hợp từng giai đoạn. Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền tập trung thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép đảm bảo an ninh, an toàn con người và tài sản.
Tại các chi nhánh NHCSXH thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, để đạt hiệu quả, các đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Tập trung chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; Xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2023. Các chi nhánh cũng kịp thời rà soát, lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro đối với khoản nợ vay đủ điều kiện xử lý nợ rủi ro theo quy định; Phân tích đánh giá kết quả công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng để xác định tiến độ triển khai so với kế hoạch, nắm bắt tồn tại khó khăn, điều chỉnh các giải pháp phù hợp.

1

Quang cảnh phiên họp

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng và sự tập trung triển khai tại chi nhánh NHCSXH các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang, chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tại Bạc Liêu, tổng nguồn vốn đạt trên 2.660 tỷ đồng, tăng 318,7 tỷ đồng so với 31/12/2021; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 150,5 tỷ đồng, tăng 39,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.655,8 tỷ đồng, tăng 318,9 tỷ đồng (tăng 13,6%) so với 31/12/2021, đạt 96% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao; trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đạt 149 tỷ đồng với 3.372 khách hàng, đạt 95% kế hoạch được giao.
Đối với Sóc Trăng, tổng nguồn vốn đạt 4.455,6 tỷ đồng, tăng 471,5 tỷ đồng so với 31/12/2021; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 134,6 tỷ đồng, tăng 15,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.447 tỷ đồng, tăng 468,7 tỷ đồng (tăng 11,78%) so với 31/12/2021, đạt 99,14% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao; trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đạt 229,7 tỷ đồng với 5.874 khách hàng, đạt 85,7% kế hoạch được giao.
Tại Kiên Giang, tổng nguồn vốn đạt 4.793 tỷ đồng, tăng 688,7 tỷ đồng so với 31/12/2021; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 324,7 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.784 tỷ đồng, tăng 685,8 tỷ đồng (tăng 16,73%) so 31/12/2021, đạt 99,41% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao năm 2022; trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đạt 303,8 tỷ đồng với 4.541 khách hàng, đạt 97,4% kế hoạch được giao.
Tại tỉnh Cà Mau, tổng nguồn vốn đạt 3.578 tỷ đồng, tăng 497,5 tỷ đồng so với 31/12/2021, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 209,7 tỷ đồng, tăng 29,2 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt trên 3.569 tỷ đồng, tăng 495,8 tỷ đồng (tăng 16,13%) so với 31/12/2021, đạt 98,26% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao năm 2022. Số khách hàng còn dư nợ với 128.741 khách hàng; trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đạt 192,9 tỷ đồng với 4.612 khách hàng, đạt 90,9% kế hoạch được giao.
Còn tại An Giang, tổng nguồn vốn đạt 4.133,8 tỷ đồng, tăng 442,5 tỷ đồng so với 31/12/2021, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác địa phương 245,6 tỷ đồng, tăng 27,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 4.130,6 tỷ đồng, tăng 442,5 tỷ đồng (tăng 12%) so với 31/12/2021, đạt 99,96% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao năm 2022; trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 đạt 167,1 tỷ đồng với 3.246 khách hàng, đạt 90% kế hoạch được giao.
Thông qua nguồn vốn chính sách đã giúp 22.022 hộ thoát nghèo; hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 49,9 nghìn lao động, 382 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 6.813 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho 4.429 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; 60 khách hàng là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn; giúp 22 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, trả lương ngừng việc cho trên 1.732 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng gần 122 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 439 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 622 khách hàng là hộ DTTS vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác CCNCCLHĐ, CLTD vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, như: Chát lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn một số nơi chưa đồng đều. Nợ quá hạn giảm tại một số huyện nhưng chưa thực sự bền vững… Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều khách hàng chưa ổn định cuộc sống từ đó việc thu lãi, thu tiền gửi tổ viên, thu hồi nợ đến hạn gặp khó khăn dẫn đến một số nơi có nợ quá hạn tăng, tỷ lệ thu nợ đến hạn giảm, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa được cải thiện. Một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống, còn trông chờ ỷ lại, không có ý thức tiết kiệm, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý thu hồi nợ.
Trước thực trạng đó, chỉ đạo tại Hội nghị củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại NHCSXH các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng yêu cầu Ban chỉ đạo cần có những giải pháp hiệu quả hơn để hiện thực hóa định hướng, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.
Trong đó, Tổng Giám đốc nhấn mạnh 5 chi nhánh cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2023, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay; tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 -2023 theo Phương án, Đề án đã phê duyệt. Ban chỉ đaọ và các chi nhánh thường xuyên phân tích, đánh giá kết quả việc triển khai các giải pháp thực hiện công tác cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trong năm 2023.
Đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH trong quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó, tập trung thường xuyên chỉ đạo rà soát điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, công khai minh bạch, chính xác, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Tổng Giám đốc đề nghị 5 chi nhánh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang cần chú trọng rà soát, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, đảm bảo thực hiện tốt các công việc được giao; quan tâm động viên, chia sẻ kịp thời đối với cán bộ, xây dựng tập thể đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kịp thời động viên, khích lệ cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu; tiếp tục rà soát về công tác nhân sự, tuyển dụng cán bộ. Các chi nhánh được tăng cường tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời báo cáo Tổng Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

VH

Các tin bài khác