Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm việc với NHCSXH

07/06/2023
(VBSP News) Trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với NHCSXH.
img-6309-6332

Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc về phía Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn.

Về phía NHCSXH có đồng chí Dương Quyết Thắng - Bí thư Đảng uỷ NHCSXH TW, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc; Trưởng ban Kiểm soát; các Phó Tổng Giám đốc; Giám đốc các Ban CMNV tại Hội sở chính và Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển, mô hình tổ chức, phương thức quản lý và kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.

9847534ef025217b7834

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu

Theo đó, với phương châm hoạt động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” trong hơn 20 năm qua, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ tiêu tăng trưởng của Thủ tướng Chính phủ giao, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/5/2023 đạt 317.182 tỷ đồng, tăng 310.077 tỷ đồng (gấp 44,6 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%…

Bên cạnh đó, NHCSXH còn thực hiện một số chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua như: chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ được triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính; tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; phát hành trái phiếu ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho vay, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.

Đối với tỉnh Nghệ An, NHCSXH đã cân đối, giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện trong năm 2022 và 2023 là 694 tỷ đồng, trong đó: Chương trình hỗ trợ tạo việc làm là 190 tỷ đồng; 04 chương trình còn lại được cân đối giao theo nhu cầu của chi nhánh. Tổng nhu cầu tăng trưởng vốn tín dụng các chương trình cho vay năm 2023 của chi nhánh là 256 tỷ đồng và đã được giao chỉ tiêu đủ theo nhu cầu. Tính đến 31/5/2023, tổng dư nợ các chương trình cho vay là 601 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính là 95 tỷ đồng; chương trình nhà ở xã hội là 207 tỷ đồng; Giải quyết việc làm là 190 tỷ đồng; Cho vay cơ sở giáo dục mầm non là 5,1 tỷ đồng; Cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là 104 tỷ đồng.

Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An ngày càng tăng, tính đến 31/5/2023, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 34.387 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%/tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 30.579 tỷ đồng so với khi chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW (trong đó nguồn vốn ủy thác địa phương của tỉnh Nghệ An đạt 290 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,4%/tổng nguồn vốn). Nhìn chung, tín dụng chính sách xã hội không bỏ sót đối tượng thụ hưởng nào.

Để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội nói chung, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, cùng với việc cung cấp một số nội dung trọng tâm về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kịp thời đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hằng năm ưu tiên cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương đến năm 2030 chiếm khoảng 15%/tổng nguồn vốn, góp phần thực hiện thành công chung Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Tiếp tục cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết tạo việc làm trong thời gian tới để chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

img-6305-2343

Các đại biểu tỉnh Nghệ An tham gia buổi làm việc với NHCSXH

Đồng thời, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An nghiên cứu phối hợp với các Sở, ngành để tham mưu ban hành các cơ chế cho vay đối với nguồn vốn ủy thác địa phương để triển khai cho vay chương trình nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các đối tượng chính sách phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất và quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho chi nhánh NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã. Xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người dân tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc cũng đề nghị Uỷ ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh chỉ đạo, triển khai việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách đảm bảo tính công khai, minh bạch đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Liên quan đến các vấn đề và kiến nghị, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh nhận thấy rằng, thời gian qua vai trò của MTTQ đối với tín dụng chính sách xã hội được quy định tại số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư vẫn còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, MTTQ các cấp với hệ thống NHCSXH trong tỉnh sẽ có sự phối hợp tốt hơn thông qua Chương trình ký kết số 10 ngày 23/12/2022 giữa Trung ương MTTQ Việt Nam và NHCSXH. Tuy nhiên, trong chương trình ký kết ở các địa phương tới đây cần làm rõ, thống nhất các nội dung từ trên xuống để cấp tỉnh thực hiện khả thi hơn.

Theo đó, đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh đề nghị sửa đổi Điều lệ tại Quyết định số 16/2003/QĐ/TTg, ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung thành phần MTTQ vào Ban đại diện các cấp, bổ sung thành phần NHCSXH vào Ban vận động Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, bởi hai thành phần này tương trợ lẫn nhau trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt khi NHCSXH tham gia vào Ban vận động Quỹ Vì người nghèo thì sẽ có một nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở, hỗ trợ các mô hình sinh kế và để giám sát giữa khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua nguồn này. 

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và NHCSXH phối hợp sửa đổi Quyết định số 1198/QĐ-MTTW-ĐCT ngày 29/12/2016 liên quan đến Quỹ Vì người nghèo. Với nội dung liên quan đến nguồn vay để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đại biểu đề nghị NHCSXH cần có sự phối hợp với Ban Chỉ đạo 1838 của Tỉnh ủy để gắn hai nguồn lại với nhau sẽ thực hiện có hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm, bởi đây là 1 trong 7 loại quỹ được phép thành lập theo Điều lệ.

img-6307-7481

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Thanh Quý phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của NHCSXH trong thời gian qua, khẳng định sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, NHCSXH đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, khẳng định vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh - xã hội; giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo; từng bước tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh - xã hội, không để người nghèo và đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Đồng chí cũng thông tin thêm một số tình hình, đặc điểm, đặc thù về đời sống văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; những chỉ đạo thực hiện về hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa từ NHCSXH, ưu tiên nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách để giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh Nghệ An có vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo; đồng thời giúp địa phương thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

img-6310-9776

Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An và lãnh đạo NHCSXH

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, về phía tỉnh Nghệ An, sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát triển, thực hiện tín dụng chính sách xã hội; hàng năm ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị thực hiện bố trí nguồn ngân sách chuyển qua NGCSXH cùng cấp để thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.

Phan Hậu

Các tin bài khác