Khi cán bộ tín dụng chính sách kiêm “chuyên gia tư vấn kinh tế”

19/08/2014
(VBSP News) “Tôi luôn khuyến khích các cán bộ tín dụng của mình phải tìm hiểu kỹ về tình hình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, tình hình kinh tế... từ đó phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đưa ra những tư vấn hợp lý hơn cho người dân..., giúp thoát nghèo bền vững. Sự hiểu biết để tư vấn ấy không chỉ là một đòi hỏi nghề nghiệp, mà nó thể hiện cái tâm của người cán bộ tín dụng”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam, chia sẻ với phóng viên như vậy.
Anh Trần Dũng (bên phải) và ông Võ Tá Hành - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 13, phường Hố Nai hồ hởi bên xưởng đóng chuồng chim cút tại gia của anh Dũng

Anh Trần Dũng (bên phải) và ông Võ Tá Hành - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 13, phường Hố Nai hồ hởi bên xưởng đóng chuồng chim cút tại gia của anh Dũng

Bỏ cái nghèo lại sau lưng

Ở cái ngưỡng sắp sửa thoát nghèo bền vững, vợ chồng anh Trần Dũng ở khu phố 13, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn chưa quên hoàn cành gia đình những năm về trước. Khoảng năm 2010, anh Dũng phải đi xẻ gỗ thuê kiếm vài chục nghìn mỗi ngày nuôi cả nhà, 3 đứa con đang tuổi đi học, vợ anh thì bị hở van tim hai lá, gia cảnh hết sức khó khăn. Căn nhà lụp xụp quá, bà con chung quanh phải hùn tiền giúp anh xây nhà, lợp mái đàng hoàng để trú thân. “Vì nghèo mà thằng con đầu phải bỏ học nửa chừng, đó là nỗi buồn phiền lớn nhất của tôi”, vợ anh Dũng gạt nước mắt nói.

Năm 2011, nhờ một người bà con chỉ nghề, anh Dũng quyết định ở nhà lập xưởng đóng chuồng chim cút. Lúc ấy, vợ chồng có không đến vài ba triệu đồng, cộng với một số nợ tuy không nhiều, nhưng trả dắt dây năm này qua năm khác chưa hết. Cán bộ bên Hội Phụ nữ địa phương cảm thương, hướng dẫn thủ tục cho vợ chồng anh vay vốn NHCSXH. Số tiền đầu tiên vợ chồng anh vay là 15 triệu đồng, chắt chiu vay mượn thêm, anh mở được xưởng.

Qua 4 lần vay vốn, lần gần nhất cách đây khoảng 2 tháng, với mức vay cao nhất 50 triệu đồng - theo quy định mới tăng thêm mức vay cho hộ nghèo - anh Dũng dần mở rộng quy mô cho xưởng của mình. Vợ chồng anh đã có tiền xây căn nhà ở phía sau, tách khỏi xưởng để không bị ồn và bụi nữa, có phòng riêng cho vợ chồng, nơi cho các con học. Nhà đã có 2 chiếc xe máy, vật dụng gia đình khá tiện nghi. Anh Dũng kể, những đồng vốn chính sách giúp anh tháo gỡ những lúc khó, túng vốn để nhập thêm nguyên liệu, nên xưởng ngày càng quy mô hơn. Nhờ siêng năng, tỉ mẩn, có uy tín nên mỗi tuần lượng hàng xuất đi đến vài chục triệu đồng. Cả nhà cùng làm, mỗi người một việc, không có chi phí nhân công nên dành dụm cũng khó. Con gái lại thi đậu Cao đẳng Sư phạm, với anh Dũng và gia đình, cuộc sống hiện tại thật hài lòng và tương lai  sáng sủa.

Cái tâm của người làm tín dụng chính sách

“6 tháng đầu năm 2014, NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã cho 22.563 lượt hộ vay với doanh số đạt 264 tỷ đồng, bằng 194,4% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có tới gần 9.000 hộ với số tiền 15 tỷ đồng, bằng 258% so với cùng kỳ năm trước”.

Anh Phạm Hồng Hải - Phó phòng nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Đồng Nai rất ấn tượng với một trường hợp. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Cảnh trú tại 144D/6, khu phố 6, phường Tân Biên, TP. Biên Hòa bởi sổ kê khai có 9 dòng, mà gia đình ông Cảnh có tới 11 người, gồm vợ chồng ông và 9 người con. Đông con như thế, cái nghèo đeo đẳng không phải là chuyện lạ. Cũng nhờ vốn chính sách, trải qua 4 lần vay với những kế hoạch làm ăn ngày một tăng dần, từ người thợ mộc làm thuê chạy gạo từng bữa, giờ đây gia đình ông Cảnh đã có một xưởng mộc nhỏ do ông và những người con cùng làm. Trước mắt tuy chưa hết khó khăn nhưng cái nghèo cũng coi như bỏ lại phía sau. “Những gia đình hoàn cảnh như hộ anh Dũng, ông Cảnh đã nỗ lực vươn lên chính là động lực lớn để những cán bộ tín dụng chính sách tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm đưa đồng vốn chính sách đến với đối tượng cần vay”, anh Hải chia sẻ.

Với Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam thì trăn trở lớn nhất chính là xoay quanh mấy chữ “thoát nghèo bền vững”. Ông Nam chia sẻ, trên địa bàn tỉnh, hộ nghèo nhiều, những dự án làm ăn, làm nghề của người dân đưa ra để thoát nghèo cũng không ít, nhưng thực tế cho thấy người dân đôi khi còn làm ăn manh mún tùy thời. Thấy thanh long, xoài được mùa thì đổ xô trồng, được giá mấy mùa thì khá lên một chút, nhưng mất mùa lại rủ nhau chặt cây. Nuôi lợn, gà, may thì bán có lời, còn rủi, gặp dịch lại mất trắng, nghèo lại hoàn nghèo…

Bởi thế, ông Huỳnh Công Nam luôn khuyến khích các cán bộ tín dụng của mình phải tìm hiểu kỹ lưỡng về tình hình nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, tình hình kinh tế. “Không đòi hỏi khắt khe là phải có chuyên môn, nhưng ít ra cán bộ tín dụng phải có những hiểu biết nhất định để phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ chức khuyến công, khuyến nông… đưa ra những tư vấn hợp lý hơn cho người dân, để người dân nhìn nhận rõ thực tế là dự án nuôi, trồng, làm nghề của mình có phù hợp với nhu cầu xã hội hiện tại hay không, có rủi ro cao hay không…, từ đó điều chỉnh và có kế hoạch nuôi trồng, làm nghề cho hợp lý hơn, giúp thoát nghèo bền vững. Sự hiểu biết để tư vấn ấy không chỉ là một đòi hỏi nghề nghiệp, mà nó thể hiện cái tâm của người cán bộ tín dụng…”, ông Nam nói.

Bài và ảnh Ngọc Mai

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác