Hơn 1,2 triệu lượt hộ trên địa bàn Hà Nội được vay vốn ưu đãi

12/03/2015
(VBSP News) Ngày 12/3/2015, NHCSXH và UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 12 năm hoạt động và nhiệm vụ đến năm 2020 của NHCSXH chi nhánh thành phố Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Bí thư thành uỷ - Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng uỷ NHCSXH TW, Uỷ viên HĐQT - Tổng giám đốc NHCSXH; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng một số lãnh đạo NHCSXH, các Ban CMNV tại Hội sở chính và đại diện các Sở, ban ngành, NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tại đây, nhiều kiến nghị và giải pháp đã được lãnh đạo chi nhánh và các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố đưa ra để chi nhánh hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực hơn vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chất lượng tín dụng tốt

Trình bày báo cáo trước Hội nghị, Giám đốc chi nhánh Nguyễn Kim Phung cho biết, sau hơn 12 năm hoạt động, chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào việc triển khai công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, HSSV có hoàn cảnh khó khăn và cho vay giải quyết việc làm) đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 293 nghìn khách hàng vay vốn. Tổng doanh số cho vay trong 12 năm đạt 14.053 tỷ đồng, doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm đạt 1.171 tỷ đồng.

Tổng dư nợ đến 31/12/2014 đạt 4.721 tỷ đồng, tăng 4.388 tỷ đồng, gấp 12,3 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 25,6%, riêng trong 05 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 12%.

Trong 12 năm qua, đã có hơn 1,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó, có 615 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, mức dư nợ bình quân hiện nay là 18,5 triệu đồng/hộ, góp phần giúp cho trên 160 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 430 nghìn lao động, giúp cho trên 138 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên 320 nghìn công trình NS&VSMTNT, hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,09% năm 2010 xuống còn 1,91% thời điểm cuối năm 2014), đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức từ việc bao cấp cho không, sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.

Nợ quá hạn liên tục giảm, từ mức 3,4% thời điểm nhận bàn giao (đầu năm 2003) xuống còn 0,16% tổng dư nợ vào thời điểm cuối năm 2014. Nhiều món nợ khó đòi, nợ quá hạn nhận bàn giao từ trước đây đã được xử lý thu hồi dứt điểm, đây là minh chứng rất rõ nét khẳng định chất lượng, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn.

Ngay từ khi thành lập, chi nhánh đã kịp thời tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; đồng thời, thường xuyên tham mưu UBND các cấp kiện toàn và bổ sung kịp thời các thành viên Ban đại diện. Đến nay, bộ máy quản trị NHCSXH thành phố Hà Nội gồm: Ban đại diện HĐQT thành phố và 30 Ban đại diện HĐQT quận, huyện với 341 lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và 04 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) tham gia hoạt động kiêm nhiệm.

12 năm qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng, có hiệu quả trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu đề xuất và được cấp ủy, chính quyền các cấp ủy thác gần 1.000 tỷ đồng để chi nhánh bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn; cấp đất xây dựng trụ sở, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị làm việc…

Với mạng lưới Phòng giao dịch rộng khắp toàn thành phố, hệ thống các Điểm giao dịch xã, phường và mô hình vay vốn thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các thôn, Tổ dân phố cùng với sự vào cuộc tích cực của hội, đoàn thể cơ sở, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự đến gần với nhân dân. Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND cấp xã” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại giao dịch cho người vay”, Giám đốc Nguyễn Kim Phung cho biết.

Tạo mọi điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho NHCSXH

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của chi nhánh NHCSXH thành phố trong thực hiện chính sách tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc cũng đã được chi nhánh phản ánh, kiến nghị với NHCSXH và UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, về nguồn vốn cho vay bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đối với hộ mới thoát nghèo, hộ tái nghèo và những hộ vay có nhu cầu vốn giải quyết việc làm tại khu vực đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mất đất sản xuất… mức cho vay hiện vẫn thấp so với nhu cầu. Bởi vậy, chi nhánh kiến nghị UBND thành phố và NHCSXH tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để đáp ứng các nhu cầu của người dân. “Để có nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh trong năm cũng như hộ mới thoát nghèo hộ có nhu cầu vốn tổ chức sản xuất kinh doanh tại khu vực đô thị hóa, mất đất sản xuất…, đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố bổ sung vốn ủy thác hàng năm sang NHCSXH thành phố Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Kim Phung kiến nghị.

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội. Tổng giám đốc cũng đánh giá cao các kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững mà thành phố Hà Nội đã đạt được. Tuy nhiên, việc giảm nghèo vẫn chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao… Bởi vậy, Tổng giám đốc yêu cầu, chi nhánh thành phố Hà Nội cần tính toán kỹ và có những giải pháp phù hợp, cụ thể làm sao để có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn chính sách của người dân trên địa bàn trong thời gian tới.

NHCSXH sẽ tạo điều kiện, cân đối đủ nguồn vốn để bổ sung tối đa cho chi nhánh. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc cũng cho hay về kiến nghị nâng mức cho vay NS&VSMTNT, HSSV, giải quyết việc làm… của thành phố, NHCSXH sẽ báo cáo, cùng các Bộ, ngành trình Chính phủ xem xét, tìm phương án giải quyết. Về cơ chế cho vay hộ mới thoát nghèo, NHCSXH đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu kết luận Hội nghị

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao hoạt động của chi nhánh NHCSXH thành phố trong 12 năm qua, đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và mô hình hoạt động của NHCSXH trên địa bàn thành phố là công cụ quan trọng, một giải pháp hữu hiệu trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Về nguồn vốn cho vay, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thành phố sẽ cân đối các nguồn để hỗ trợ hiệu quả nhất, uỷ thác sang chi nhánh NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Một số giải pháp như hỗ trợ lãi suất cũng sẽ được thành phố quan tâm. Tuy nhiên, chi nhánh cũng cần nghiên cứu các phương án cho vay, chủ động tư vấn, hướng dẫn người vay cách làm ăn để phát huy hiệu quả đồng vốn… 

 “Trong giai đoạn năm 2011 - 2020, chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Cụ thể, 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.  Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được Trung ương và thành phố giao, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 8 - 10%, riêng năm 2015 tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2014, phấn đấu duy trì trên 97% số Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm;  phấn đấu 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy trình quy định, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,12%”.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác