“Gió mới” ở Thuận Bắc

01/07/2019
(VBSP News) Như một làn gió mát lành, Chỉ thị số 40-CT/TW 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) không chỉ thay đổi cuộc sống miền đất khô cằn mà quan trọng hơn, đã thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân Ninh Thuận nói chung và Thuận Bắc nói riêng.
Gia đình chị Thị Bét sử dụng vốn vay ưu đãi chăn nuôi bò

Gia đình chị Thị Bét sử dụng vốn vay ưu đãi chăn nuôi bò

Người dân hưởng lợi…

Thật khó hình dung, ở một nơi dân cư thưa thớt, lại không có Khu công nghiệp như Bắc Sơn - xã 135 thuộc huyện Thuận Bắc cũng bị ách tắc giao thông mỗi ngày. Mà thủ phạm gây ra lại là cừu, bò và dê! Những đàn cừu, bò, dê hàng chục, hàng trăm con được gây dựng từ những đồng vốn tín dụng chính sách, sau mỗi ngày lên núi lại lũ lượt dẫn nhau về chuồng, làm cho Bắc Sơn trở nên náo nhiệt nhưng cảnh tượng ấy cũng phần nào nói lên cuộc sống sung túc, đầy đủ của người dân vùng cận sa mạc này.

Cách đây 7 năm, gia đình chị Thành Thị Sữa, người dân tộc Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn đã phải thế chấp cả 4 sào ruộng (nguồn sống duy nhất của cả đại gia đình) lấy 10 triệu đồng làm tang cho bà nội. Cũng vì hủ tục này, gia đình chị rơi vào cảnh khốn đốn; cộng thêm những năm sau, hạn hán triền miên càng làm cho cuộc sống thêm khó khăn. Mãi đến tháng 2/2016, thông qua Hội Phụ nữ, chị Sữa được vay 40 triệu đồng cho hộ cận nghèo của NHCSXH. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền lớn như vậy, vợ chồng chị Sữa lo lắng, liệu mình có thành công không, có thoát được nghèo không?… Được cán bộ tín dụng cùng chính quyền, hội đoàn thể động viên, hướng dẫn làm ăn, chị Sữa mạnh dạn đầu tư toàn bộ số vốn vay vào chăn nuôi bò.

Hướng đi đúng đã giúp gia đình chị Sữa phát triển đàn bò, nuôi thêm đàn dê; 4 sào ruộng cũng đã được chuộc về nhờ số tiền bán bò. Ngoài ra, gia đình chị còn được NHCSXH huyện Thuận Bắc cho vay 12 triệu đồng để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh, chất lượng cuộc sống nhờ đó cải thiện đáng kể. Đến nay, cuộc sống đã dần ổn định. Mỗi tháng, ngoài tiền chi tiêu cho đại gia đình 8 người, chị Sữa dành dụm từ 200.000 - 500.000 đồng gửi vào ngân hàng, góp phần cùng ngân hàng tạo lập thêm nguồn vốn, giúp đỡ những hộ nghèo hơn mình.

Cũng có cuộc sống ngày càng ổn định như chị Sữa, chị Thị Bét, người dân tộc Raglai ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn lần lượt được vay vốn từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi cừu, bò, rồi vay vốn nước sạch. Đến nay, sau gần 3 năm tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, chị Thị Bét đã có khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng bao gồm hơn 100 con bò và cừu.

Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Tôn Long Dũng, chị Thành Thị Sữa và Thị Bét chỉ là 2 trong số gần 1.600 hộ ở xã Bắc Sơn (chiếm hơn 75% số hộ của xã) được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với tổng dư nợ đến hết tháng 4/2019 là hơn 68 tỷ đồng. Nguồn vốn được tập trung cho các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… “Nếu không có nguồn vốn chính sách hỗ trợ, các hộ dân ở đây sẽ còn vất vả lắm. Còn chúng tôi, cũng khó mà đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5% mỗi năm”, ông Tôn Long Dũng nhấn mạnh.

… từ sự thay đổi của chính quyền

Suy nghĩ đúng sẽ hành động đúng! Câu nói này quả không sai khi nhìn lại chặng đường gần 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Thuận Bắc.

Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc Lê Kim Hoàng cho biết, cuối năm 2014, khi Chỉ thị số 40 được ban hành, cấp ủy, chính quyền Ninh Thuận nói chung và Thuận Bắc nói riêng đã xác định đây là chính sách an sinh lớn, đặc biệt ý nghĩa với vùng miền núi dân tộc khó khăn như Thuận Bắc. Ngay khi có Chỉ thị số 40 và Chỉ thị số 67 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Thuận Bắc đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng ngay kế hoạch hành động. “Phải nói rằng, chưa bao giờ nhận thức của lãnh đạo cho đến cán bộ cơ sở trên địa bàn huyện lại thống nhất cao đến thế. Chúng tôi quyết tâm phải nỗ lực hết mình vì đây là một chính sách có ý nghĩa, giúp cho bà con mình”, ông Hoàng nói.

Theo mô hình đặc thù của NHCSXH, huyện Thuận Bắc đã phân công một đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị. Chủ tịch UBND cấp xã cũng là thành viên Ban đại diện cấp huyện. Ban đại diện cấp huyện phải họp giao ban hàng quý, Chủ tịch UBND xã giao ban với các đoàn thể, ngân hàng cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch tại xã hàng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn. Cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể phối hợp với ngân hàng triển khai kế hoạch phân bổ vốn, bình xét, phê duyệt hộ vay, kiểm tra giám sát… tạo nên một quy trình khép kín, thuận tiện và giảm chi phí cho hộ vay ngay tại địa bàn.

Kết quả sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cho thấy, nếu như năm 2015 bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tổng dư nợ vốn vay chính sách trên địa bàn huyện Thuận Bắc chỉ hơn 130 tỷ đồng thì đến quý I/2019 đã tăng gần gấp đôi - 256 tỷ đồng, trong đó ngân sách của huyện cũng ủy thác qua ngân hàng 650 triệu đồng để cho các đối tượng chính sách vay. Đặc biệt, toàn huyện không còn nợ quá hạn. Chia sẻ về kết quả này, Chủ tịch Lê Kim Hoàng nhấn mạnh, số lượng và chất lượng tín dụng chính sách nâng lên có nghĩa, người dân được tiếp cận vốn đầy đủ hơn, sử dụng vốn phát triển SXKD hiệu quả và ý thức được việc “có vay có trả.” Nhờ đó mà 3 năm qua, huyện Bắc Sơn đã giảm được 10% hộ nghèo, thu nhập bình quân từ 11 triệu đồng lên 23,8 triệu đồng/người/năm. Huyện có 5/6 xã thuộc vùng khó khăn nhưng đến nay có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đều đạt trên 7 tiêu chí về nông thôn mới.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác