Chìa khóa xóa nghèo ở huyện 30a

26/06/2019
(VBSP News) Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với việc đầu tư cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang có những bước đi khá vững chắc trên đường tìm chìa khóa xóa nghèo.
Đồng bào Mông ở Mèo Vạc vay vốn ưu đãi nuôi bò

Đồng bào Mông ở Mèo Vạc vay vốn ưu đãi nuôi bò

Từ vay vốn nuôi bò vỗ béo

Mèo Vạcmột trong 4 huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Vùng đất này chủ yếu đồi, núi đá, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; khí hậu vô cùng khắc nghiệt… Do những bất lợi của tự nhiên nên nền nông nghiệp của huyện phải dựa vào chăn nuôi   trâu, bò là chủ yếu. Đối với đồng bào các dân tộc nơi đây, con trâu, con bò ngoài cung cấp sức kéo còn là nguồn thu nhập lớn. Xuất phát từ thực tế trên, những năm qua, huyện đã có định hướng đầu tư, phát triển đàn trâu, bò hàng hóa. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi và mang bò xuống chợ bán, mà hình thành một nghề kinh doanh mới là nuôi vỗ béo bò thịt.

Gia đình ông Hoàng Lão Sử ở thôn Phố Mỳ, xã Tả Lủng là một trong những điển hình về thoát nghèo từ mô hình nuôi bò vỗ béo. Năm 2015, ông vay 100 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư mua 5 con bò về nuôi. Sau 6 tháng, ông bán với giá 30 triệu đồng/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Sử thu lãi trên 40 triệu đồng. Trả hết nợ ngân hàng đúng hạn, ông vay thêm, tiếp tục đầu tư nuôi bò vỗ béo. Đến cuối năm 2016, ông Sử không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy. Không chỉ gia đình ông Sử, nghề kinh doanh nuôi bò vỗ béo đã giúp hàng trăm hộ dân ở Mèo Vạc thoát nghèo bền vững. Theo số liệu của UBND huyện, từ năm 2006 đến năm 2012, Mèo Vạc có trên 400 hộ dân thoát nghèo.

Đến trồng cỏ chăn nuôi bò hàng hóa

Năm 2016, Hà Giang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định chăn nuôi bò hàng hóa là một trong những thế mạnh của 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Riêng Mèo Vạc, huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện chăn nuôi gia súc hàng hóa lớn nhất tỉnh, với tổng đàn trên 65.000 con, trong đó đàn bò gần 34.000 con, đàn trâu 4.000 con; diện tích trồng cỏ đạt 5.500ha (trong đó sẽ chuyển đổi 250ha trồng ngô sang trồng cỏ). Thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa đạt trên 38% tổng thu nhập về sản xuất nông nghiệp của toàn huyện.

Để biến những mục tiêu trên thành hiện thực, năm 2017, huyện đã cấp 650 con bò sinh sản cho các hộ nghèo không có trâu, bò; đồng thời hỗ trợ lãi suất 3 năm cho các hộ vay vốn theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của tỉnh, cụ thể mỗi hộ mua trâu, bò chăn nuôi được vay để đầu tư tối đa 3 con, với mức vay 20 triệu đồng/con; hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng (hoặc quy đổi ra tiền) cho những hộ chuyển đổi từ 1ha diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò trở lên. Gần 100% số hộ chăn nuôi trâu, bò ở Mèo Vạc được vay vốn NHCSXH. Đến tháng 6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Mèo Vạc đạt 240 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Hờ Và Chơ ở thôn Há Chế, xã Sủng Trà cho biết: “Trong thôn giờ nhiều người đã thay đổi nuôi bò, từ chỗ nuôi 1 con để cày nương, giờ biết nuôi nhiều bò hơn, trồng nhiều cỏ hơn nên không phải lo nhiều về cái đói, cái nghèo nữa. Người Mông ta ơn Chính phủ nhiều lắm!”.

Đến cuối năm 2018, toàn huyện Mèo Vạc đã trồng được gần 5.000ha cỏ; 12.500 hộ chăn nuôi trâu, bò (chiếm 80% số hộ trên địa bàn), với gần 30.000 con bò và 4.500 con trâu. Hình thức chăn nuôi hàng hóa có quy mô 10 con/hộ ngày càng tăng. Nhờ hiệu quả từ chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo ở Mèo Vạc đã giảm đáng kể, từ 54% năm 2017 xuống còn 50% năm 2018. Năm 2019 dự kiến giảm xuống còn khoảng 44%. 

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác