Đưa vốn chính sách đến hộ dân tộc đặc biệt khó khăn ở Cao Bằng

10/08/2015
(VBSP News) Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông miền Tây Bắc bao la vốn được coi là một vùng non nước hữu tình nhưng vẫn là nơi có nhiều khó khăn nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo, xã nghèo, nhất là những vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Vốn vay ưu đãi giúp gia đình anh Lý Văn Nhánh ở thôn Lũng Hoài, xã Hạ Thôn đầu tư vào nuôi bò, thâm canh ngô lai

Vốn vay ưu đãi giúp gia đình anh Lý Văn Nhánh ở thôn Lũng Hoài, xã Hạ Thôn đầu tư vào nuôi bò, thâm canh ngô lai

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo cho những vùng dân tộc miền núi, trong những năm qua, các cấp ngành từ TW đến địa phương đã đầu tư nhiều chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, Chương trình 134, 135, đặc biệt là Chương trình 30a về xóa nghèo nhanh, bền vững cho các huyện nghèo nhất nước và chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg nay là Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có gần 5.000 hộ DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi với số tiền là trên 24 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở Cao Bằng hơn 1.772 tỷ đồng, với 64.935 hộ còn dư nợ tại 2.488 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Riêng 9 xã rẻo cao của huyện Hà Quảng đã có 366 gia đình người Mông, Dao, Tày, Nùng… được vay vốn ưu đãi không tính lãi ngay từ đợt đầu tiên trong năm 2008, bình quân mỗi hộ vay 5 triệu đồng để trồng ngô, lạc và nuôi bò, lợn.

Gia đình anh Lý Văn Nhánhở thôn Lũng Hoài, xã Hạ Thôntrước đây thuộc diện nghèo nhất vùng núi đá khô cằn thuộc huyện Hà Quảng. Vậy mà 2 năm nay, gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Anh Nhánh cho biết: “Vì thuộc diện hộ nghèo, sinh sống ở một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý chị được vay 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị đã mua cặp bò sinh sản về nuôi và thâm canh 2ha ngô lai trên đồi đất dốc. Có vốn cùng với sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đến nay gia đình anh đã tạo dựng cho mình một hướng đi trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.

Cũng thông qua nguồn vốn ưu đãi của chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, gia đình ông Hoàng Văn Thương ở thôn Ràng Khoen, xã Hạ Thôn đã mạnh dạn khai hoang, cải tạo đất đồi thành vườn cây ăn quả đặc sản và chăn nuôi dê, đến nay gia đình ông đã có được mô hình VAC tổng hợp với quy mô 1.600m2 vườn cam, quýt ngọt và 30 con dê, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định, thoát nghèo.

Vốn vay các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH được hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở miền sơn cước Cao Bằng sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Đơn cử như Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng không những thực hiện tốt nhiệm vụ uỷ thác vay vốn chính sách hơn 613 tỷ đồng với 23.436 hộ hội viên vay, mà tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,26% trên tổng dư nợ, đồng thời còn tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm với số dư 7,4 tỷ đồng thông qua 839 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Hứa Thị Hậu, cho biết: Để nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay chính sách cho các hộ DTTS đặc biệt khó khăn, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp với các ngành nông nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tổ chức tư vấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hội viên vay vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Anh Thư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác