Đưa vốn đến gần dân hơn
Với phương châm “đưa vốn đến gần dân hơn”, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, đến nay các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đều có Điểm giao dịch của NHCSXH, đây chính là nơi hội tụ của ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân cùng thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các chương trình vay vốn tại địa phương.
Trước hết, tại các Điểm giao dịch, NHCSXH công khai các chế độ, chính sách, lãi suất cho vay từng chương trình, công khai danh sách hộ gia đình được giải ngân vay và dư nợ vốn, thông báo các quy định mới về các chương trình tín dụng… thông qua bảng thông báo. Đây không chỉ là phương tiện để công khai, minh bạch các chương trình cho vay ưu đãi, mà còn là một hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp nhân dân nắm rõ các quy định và nâng cao hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của từng chương trình cho vay, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đối tượng sử dụng vốn.
Đến hết tháng 6/2015, 4 tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh đang quản lý 4.301 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác cho vay đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 95% tổng dư nợ. Bên cạnh sự chủ động phối hợp của NHCSXH, các tổ chức nhận ủy thác luôn tham gia đầy đủ các buổi họp giao ban với NHCSXH nên các vướng mắc trong quá trình hoạt động được giải đáp kịp thời, hạn chế những tồn tại phát sinh, đồng thời phổ biến kịp thời đến người dân các chủ trương, chính sách mới như tín dụng đối với hộ cận nghèo, mẫu giấy xác nhận HSSV mới cho các hộ vay. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, công khai trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy nguồn vốn cho vay luôn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong quá trình thực hiện các chương trình cho vay, các tổ chức nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với NHCSXH tích cực đôn đốc thu hồi, xử lý nợ gốc, lãi; từ đó đảm bảo nợ gốc và lãi đến hạn cơ bản được xử lý.
Trước năm 2007, đời sống của người dân xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng vài năm trở lại đây, phong trào sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh, đời sống của người dân từng bước ổn định. Đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã luôn có định hướng đúng đắn về phát triển kinh tế hàng năm, trong đó phát huy tốt vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hàng năm các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế tại địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khu 2, xã Vĩnh Chân, thuộc Hội Phụ nữ xã quản lý cho biết: “Trước ngày giao dịch hàng tháng khoảng một tuần, tôi đã đi đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay vốn chuẩn bị tiền nộp lãi, trả nợ đối với các khoản nợ sắp đến hạn và tiến hành thu lãi của các hộ vay. Nhiều khi phải đến tận nhà các hộ vay đôn đốc nợ, thu lãi vì các hộ do bận rộn quá nên quên ngày trả nợ. Đối với một số hộ gặp khó khăn như chưa bán lợn, gà, chưa phải dịp thu hoạch lúa, ngô, cây quả… tôi phải động viên thì mới đảm bảo thu được lãi đầy đủ hàng tháng”. Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vốn, Hội Phụ nữ các cấp còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp chuyển giao KHKT, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ áp dụng phát triển kinh tế. Với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do hội quản lý, hàng năm, số hội viên thuộc diện nghèo đều giảm xuống rất đáng kể.
Có thể thấy, những năm qua hoạt động vay vốn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở các địa phương được thực hiện khá chặt chẽ, các cấp hội tuân thủ nghiêm ngặt những công đoạn, quy trình cho vay. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng được nâng lên. Cùng với việc duy trì các Điểm giao dịch tại xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn của tổ chức nhận ủy thác đã và đang khẳng định vị trí và vai trò không thể thiếu trong hoạt động tín dụng chính sách.
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách phục vụ bà con trên “Đảo thép anh hùng”
- » Hiệu quả tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào DTTS
- » Yên Thành lại mong được “làm cha, làm mẹ”
- » Thỏa ước mơ có nhà ở kiên cố, an toàn
- » Nguồn vốn ưu đãi góp phần tích cực giảm nghèo tại Quảng Nam
- » Động lực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Vay được vốn, bà con đầu tư sản xuất, mở rộng, thâm canh cây na
- » Tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu
- » Người nghèo ở Đam Rông vay vốn ưu đãi sử dụng hiệu quả
- » Từ nghèo khó thành chủ vườn hoa công nghệ cao