Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở vùng cao Phú Thọ

11/12/2014
(VBSP News) Trong hơn một thập kỷ qua, mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thượng Long thuộc huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ) được tiếp cận tới các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình NS&VSMTNT, đầu tư cho con cái học hành... Tính đến nay, dư nợ với NHCSXH huyện ở vùng rẻo cao này là trên 18 tỷ đồng.
Nhiều hộ gia đình ở xã Thượng Long đã đầu tư phát triển chăn nuôi nhờ vốn vay ưu đãi vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương

Nhiều hộ gia đình ở xã Thượng Long đã đầu tư phát triển chăn nuôi nhờ vốn vay ưu đãi vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương

Ông Nguyễn Kim Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Long, cho biết: Các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn xã. Hiện tại, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 282 hộ chiếm 18,8% tổng số hộ trong xã. Nguồn vốn chính sách cũng tiếp sức cho địa phương đẩy nhanh tiến trình thực hiện tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí vệ sinh môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo sự hướng dẫn của ông Phó Chủ tịch xã Thượng Long, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Công Thư, dân tộc Mường ở thôn Tân Tiến là một điển hình trong việc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Được biết trước đây cuộc sống gia đình anh Thư khó khăn, bấp bênh bởi ruộng cây ít, vốn liếng thiếu, nhưng từ năm 2011 được nguồn vốn ưu đãi của chương trình hộ nghèo hỗ trợ và giữa năm ngoái lại được xét vay thêm 28 triệu đồng của NHCSXH dành cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, vợ chồng anh Thư đã có điều kiện xây chuồng trại nuôi vịt đẻ trứng và đào 6 sào ao để thả cá. Nhờ vậy kinh tế của nhà anh khấm khá hẳn lên, vụ thu hoạch trứng vịt, cá thịt từ đầu năm 2014 đến nay lãi đến gần 100 triệu đồng, sau khi trừ mọi khoản chi phí.

Tương tự, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đã thực sự là nguồn động lực để gia đình bà Phùng Thị Bẩy, người Dao ở thôn Cảnh, xã Thượng Long, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Với số tiền vay 25 triệu đồng từ đầu năm 2012 của chương trình hộ nghèo, bà Bẩy đã sử dụng chăn nuôi bò, lợn thịt, lợn nái, kết hợp với nuôi gà, vịt. “Sau có hơn 1 năm nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà gia đình tôi đỡ rất nhiều cảnh túng thiếu. Mới tháng 10 vừa qua, NHCSXH huyện còn giải quyết cho nhà tôi vay thêm vốn theo quy định mới về nâng mức vay, giảm lãi suất cho các hộ nghèo để đủ sức phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Mọi người trong gia đình phấn khởi và bảo ban nhau sử dụng số vốn vay sao cho hữu ích, thiết thực”, bà Bẩy chia sẻ.

Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân ở xã Thượng Long cũng như vùng nông thôn Yên Lập không chỉ được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng mà đã có điều kiện tạo thêm việc làm mới, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch. Đơn cử gia đình chị Tình, anh Xuân, ông Vấng… ở xã Thượng Long trong năm 2013 đã được vay vốn ưu đãi theo mức mới của chương trình tín dụng NS&VSMTN là 12 triệu đồng/hộ (6 triệu đồng/công trình/hộ, cao hơn 2 triệu đồng mỗi công trình so với trước đây) để chủ động sửa chữa hoặc xây mới công trình phụ khép kín bao gồm nhà tắm, bồn chứa nước, nhà vệ sinh tự hoại.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lập. Hàng năm, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương rà soát, thống kê chính xác cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn ưu đãi. Bởi vậy, tính đến hết 11/2014, NHCSXH đã giải quyết cho vay được 4.933 hộ thuộc đối tượng này với số tiền trên 98 tỷ đồng. Qua khảo sát, kiểm tra hầu hết các hộ vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương.

Để tiếp tục giúp người dân tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi, NHCSXH huyện tập trung phối hợp với các cấp chính quyền, ban ngành, tổ chức hội, đoàn thể tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi ở tất cả các điểm giao dịch tại xã, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc bình xét vay vốn ưu đãi nhằm đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả sử dụng vốn đúng mục tiêu của chương trình tín dụng đặt ra.

Bài và ảnh Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác