Động lực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo

03/08/2015
(VBSP News) Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã nỗ lực tuyên truyền, đưa vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, giúp sức đắc lực cho đồng bào DTTS vùng ĐBKK có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều hộ đồng bào DTTS tại Lai Châu có cơ hội thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Nhiều hộ đồng bào DTTS tại Lai Châu có cơ hội thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng A So, dân tộc Mông ở bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên, anh cho biết: “Trước đây, cuộc sống của vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn do đất sản xuất ít, không có vốn để đầu tư phát triển làm ăn. Năm 2005, tôi mạnh dạn vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Than Uyên để đầu tư vào trồng 2ha cây thảo quả. Hai vợ chồng làm lán rồi ở luôn trên rừng để tiện cho việc chăm sóc. Không phụ công 2 vợ chồng tôi, lứa đầu tiên thảo quả cho thu nhập đạt hơn 40 triệu đồng. Đến nay, tôi đã mở rộng gần 10ha thảo quả. Cứ lấy ngắn nuôi dài, có vốn tôi lại đầu tư mua máy xay xát gạo, dịch vụ bán hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con trong bản. Đến năm 2013, tôi tiếp tục vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Tập trung cải tạo trên 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp của gia đình để trồng lúa, ngô và cây rau màu các loại… Trừ chi phí, bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình tôi được trên 100 triệu đồng”.

Cùng với anh So, anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cũng thoát nghèo và trở thành hộ khá giàu của xã Tả Lèng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào DTTS. Anh Sinh tâm sự: “Ruộng đất ít, nên dù rất chăm chỉ, hàng năm vợ chồng mình vẫn phải ăn rau và củ mài vào những tháng giáo hạt. Từ ngày NHCSXH giải ngân vốn vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS, gia đình mình đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Sau 3 lần vay rồi trả, mình đã có vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình mình có 2 ao cá với tổng diện tích trên 6.000m2; hàng năm bán ra thị trường vài tấn cá và lợn thịt, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng”. Không chỉ có anh So, anh Sinh mà còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo trong tỉnh được vay vốn phát triển kinh tế vươn lên xóa nghèo và làm giàu cho gia đình, xã hội.

Đôi điều trăn trở của những người làm công tác tín dụng

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 87,3%. Xác định, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp các hộ đồng bào DTTS tiếp cận với nguồn vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc phối hợp với NHCSXH hướng dẫn UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với NHCSXH và UBND các xã tổ chức niêm yết công khai về nội dung chính sách tại Điểm giao dịch; tổ chức bình xét cho các hộ nghèo vay theo nguyên tắc dân chủ, công khai đúng quy định. Xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn vay từng năm và cả giai đoạn, chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã thực hiện việc rà soát, tổng hợp danh sách và nhu cầu vay vốn của các hộ DTTS.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Hán Quang Hưng, cho biết: “Chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS được triển khai tại 99/108 xã khó khăn của tỉnh đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đồng bào dân tộc. Bà con được tiếp cận nguồn vốn vay từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm; được tiếp cận một số mô hình phát triển sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định số 54 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS vùng ĐBKK giai đoạn 2012 - 2015 còn một số khó khăn nhất định như: Phân bổ nguồn vốn chưa căn cứ và không đáp ứng được nhu cầu đăng ký vay vốn của người dân, (nhu cầu kinh phí giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh là 99.304 triệu đồng, song đến nay tổng vốn kế hoạch giao thực hiện mới đạt trên 10 tỷ đồng. So với nhu cầu vốn vay đến nay mới được 10% nhu cầu.

Bên cạnh đó, kế hoạch vốn hàng năm thường giao chậm, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ dân. Mức cho vay thấp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của hộ dân. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu vay vốn cũng như tạo bước đệm cho đồng bào DTTS của tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững, ông Hán Quang Hưng mong muốn, mức cho vay của đối với hộ đồng bào DTTS sẽ được nâng lên từ 15 - 20 triệu đồng/hộ. Với mức vay tối đa như như vậy cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân tại thời điểm hiện nay.

Mong muốn của ông Hưng cũng là mong muốn chung của nhiều hộ DTTS nghèo trong tỉnh, để đồng bào có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo theo hướng bền vững.

Bài và ảnh Dư Khánh Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác