Hà Tĩnh sẵn sàng trước mùa mưa lũ

28/07/2015
(VBSP News) Trước đây, hàng năm cứ mùa mưa lũ về, như một “phản xạ có điều kiện”, hàng nghìn hộ dân miền Trung lại nơm nớp nỗi lo bị cô lập, phải sống tạm bợ trên nóc nhà tránh lũ. Tuy nhiên, mùa mưa lũ năm nay, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đã yên tâm hơn khi đã xây dựng được cho gia đình nhà và chuồng trại vượt lũ nhờ đồng vốn ưu đãi.
Những căn nhà lũ giúp người dân vùng lũ Hà Tĩnh yên tâm hơn khi mùa mưa bão về

Những căn nhà tránh lũ giúp người dân vùng lũ Hà Tĩnh yên tâm hơn khi mùa mưa bão về

Ký ức kinh hoàng

Tỉnh Hà Tĩnh có 844 hộ thuộc diện được hỗ trợ với tổng kinh phí để thực hiện hơn 42,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW hỗ trợ gần 13 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã có 533 hộ triển khai xây dựng, trong đó đã có 175 nhà hoàn thành. Ước tính, tổng số tiền được huy động để thực hiện khoảng 19 tỷ đồng (ngoài ngân sách TW hỗ trợ thì ngân sách địa phương hỗ trợ 7,5 tỷ đồng và các nguồn huy động khác đạt 110 triệu đồng), tỷ lệ giải ngân các nguồn hỗ trợ đạt 15%.

Cơn lũ dữ hồi tháng 10/2010 ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã làm tất cả chìm trong biển nước. Nhiều nhà dân chỉ còn lại một phần mái ngói. Cơn lũ đi qua đã gần 5 năm nhưng bà Lê Thị Long, thôn Hương Phố vẫn không quên được sự hung dữ của nó.

Nằm ở vùng thấp trũng, lũ bất ngờ ập đến lúc 12 giờ đêm và chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ nước đã dâng đến mái ngói làm trôi hết tài sản, tính mạng của 2 ông bà và 2 đưa cháu lúc ấy chỉ biết trông vào số phận. Để bảo vệ tính mạng và tài sản gia đình, năm nay bà đã vay mượn thêm xây dựng ngôi nhà vượt lũ được nâng cấp từ nhà bếp, dẫu không khang trang, bề thế nhưng chắc hẳn sẽ yên tâm hơn khi mưa lũ về.

“Lũ lên rất nhanh, gia đình tôi trở tay không kịp. Để phòng chống bão lũ, năm nay tôi quyết tâm làm được căn nhà vượt lũ để đảm bảo tính mạng, tài sản cho mình”, bà Long cho biết.

Xã Đức Hương nằm ở rốn lũ, nơi hòa nhập dòng chảy của hai con sông lớn Ngàn Sâu và Ngàn Trươi nên hàng năm lũ ở đây dâng lên rất nhanh, cường độ mạnh, làm hư hỏng nhiều công trình, cuốn trôi nhiều tài sản và gây nên nhiều cái chết thương tâm.

Năm nay, cùng với triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xã Đức Hương tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân nêu cao tính chủ động trong phòng chống bão lũ, trong đó có xây dựng nhà cửa, chuồng trại vượt lũ nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của gia đình.

Chủ tịch UBND xã Đức Hương Lê Văn Lợi, cho biết: “Đến nay, đã có vài chục hộ dân xây dựng nhà tránh lũ, tuy nhiên điều kiện của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên không phải ai cũng xây được, chúng tôi mong Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ để nhân dân có điều kiện xây nhà tránh lũ”.

Theo thống kê, hàng năm huyện Vũ Quang phải gánh chịu từ 3 - 5 cơn lũ, mỗi khi mưa lũ về, điều mà người dân lo nhất là tính mạng và tài sản. Trước đây, đã có một số dự án đầu tư xây dựng nhà tránh lũ, điểm tránh lũ cộng đồng, tuy nhiên, những công trình này chưa thực sự phát huy hiệu quả, phần vì còn nhỏ hẹp, phần vì sự chủ quan của người dân và nhất là nhiều cơn lũ ập đến đột ngột vào ban đêm nên không thể di dời được đến nơi an toàn. Chỉ đến khi Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thì người dân ở những vùng khó khăn như Vũ Quang mới thực sự yên tâm “an cư lạc nghiệp”.

Yên tâm “sống chung” với lũ

Chúng tôi đến thăm nhà anh Bùi Tiến Dũng ở xóm Hương Thọ, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang khi căn nhà chống lũ của gia đình anh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngay sát ngôi nhà 90m2 được xây dựng khá khang trang có 2 gác để tránh lũ. Là hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với suy nghĩ “một lần làm là một lần khó” nên bên cạnh sự hỗ trợ của NHCSXH, anh còn mạnh dạn vay thêm anh em, bạn bè để làm nhà trị giá trên 180 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh rất vui mừng vì từ nay gia đình đã thoát cảnh sinh sống tạm bợ. Anh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp cũng như anh em, bà con.

Cũng thuộc diện hộ nghèo vùng lũ được hỗ trợ làm nhà ở, ông Nguyễn Văn Nghĩa, xóm Hương Thượng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê đang hoàn thiện căn nhà chống lũ của gia đình. Tiếp chúng tôi, ông tâm sự: “Là hộ nghèo thuộc vùng thấp lụt, nhà cửa lại không đảm bảo, nhiều năm nước lũ ngập gần đến nóc nhà, hai ông bà già phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ hoặc phải tất bật di tản đi nơi khác. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và họ hàng, láng giềng, chúng tôi đã được hỗ trợ làm nhà tránh lũ. Ngoài 10 triệu đồng được hỗ trợ, chúng tôi đang được UBMTTQ tỉnh xét hỗ trợ 5 triệu đồng và NHCSXH cho vay ưu đãi 15 triệu đồng. Để căn nhà trị giá khoảng 100 triệu đồng hoàn thành đưa vào sử dụng, số tiền còn lại chúng tôi phải nhờ con cái và vay tạm rồi trả dần. Dù có phần lo ngại cảnh nợ nần nhưng nghĩ kỹ thì nó cũng không đáng sợ bằng nước lũ nên tôi rất phấn khởi”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo tinh thần chỉ đạo của TW thì đến hết năm 2016 mới thực hiện xong việc làm nhà ở phòng tránh lũ lụt cho người nghèo khu vực miền Trung nhưng Hà Tĩnh đang phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Đặc biệt, nhiều địa phương, sở, ngành đã thể hiện quyết tâm hoàn thành trước mùa mưa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Lê Đức Hùng, cho biết: “Là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn khó khăn, vào mùa mưa, vùng cao thì xảy ra lũ quét, vùng hạ du lại ngập sâu nên việc hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở tránh lũ là chủ trương đúng và được nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. Hương Sơn được hỗ trợ nhiều nhà nhất, chúng tôi đã sớm thành lập ban chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân cùng tham gia. Trong quá trình thực hiện, những nơi có số lượng lớn, yêu cầu xã phải đứng ra chủ trì, hợp đồng mua nguyên vật liệu, huy động thêm nhân lực, tạo điều kiện tối đa giúp các đối tượng. Để đảm bảo tiến độ, huyện cấp tạm ứng kinh phí, tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục khó khăn. Do vậy, đến nay, trong tổng số 492 hộ được hỗ trợ, đã có 181 nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng, 218 nhà đang triển khai với khối lượng thực hiện đạt khoảng 30% - 50%, số còn lại đang được gấp rút triển khai”.

Trưởng phòng Quản lý nhà và Kinh doanh bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh Phan Lê Hùng, cho biết thêm: “Các hộ làm nhà theo Quyết định 48 được hưởng đầy đủ các nguồn hỗ trợ theo quy định và tiến độ giải ngân cũng được thực hiện khá kịp thời nhằm giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương với mức 12 - 14 triệu đồng và 16 triệu đồng (tùy đối tượng theo Chính phủ quy định) còn huy động 4 - 5 triệu đồng từ UBMTTQ tỉnh và được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng/hộ từ NHCSXH. Ngoài ra, nhiều gia đình còn tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Ước tính, bình quân mỗi nhà được xây dựng theo chủ trương này có tổng mức đầu tư khoảng 60 triệu đồng, cá biệt lên tới 250 triệu đồng”.

Việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 48 đang góp phần quan trọng chia sẻ khó khăn với các hộ nghèo vùng lũ, giúp họ an cư, lạc nghiệp. Các ngôi nhà tránh lũ đã thể hiện được đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phát huy tình đoàn kết xóm làng và trách nhiệm của toàn xã hội đối với người nghèo. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí nhà ở dân cư.

Bài và ảnh Tiến Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác