Tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu

31/07/2015
(VBSP News) Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế và được biết đến như một điểm nổi bật ở khu vực miền núi Tây Bắc với những đặc trưng độc đáo của vùng thảo nguyên xanh, nhưng huyện Mộc Châu (Sơn La) vẫn là huyện còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa còn cao, năm 2010 lên tới trên 23%. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, NHCSXH đã đẩy mạnh đầu tư các chương trình tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho phát triển kinh tế, giảm nghèo vững chắc và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Nguồn vốn ưu đãi được bà con vùng cao Chiềng Sơn sử dụng hiệu quả

Nguồn vốn ưu đãi được bà con vùng cao Chiềng Sơn sử dụng hiệu quả

Dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mộc Châu trong 5 năm qua liên tục tăng với tốc độ tương đối cao. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay đạt trên 200 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2013, góp phần giúp cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường, Khơ Mú… thoát nghèo, trên 6 nghìn lao động có việc làm mới; xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…

Đơn cử về việc hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trong tổng số trên 2.000 hộ gia đình ở xã Chiềng Sơn đã được vay vốn chính sách với số tiền trên 14 tỷ đồng, bình quân dư nợ đạt 20 triệu đồng/hộ. Con số này tuy chưa phải là lớn nhưng đối với những người nghèo nơi đây thì đồng vốn ưu đãi có tác dụng giúp cho họ  thêm điều kiện chủ động sản xuất tập trung thâm canh đồi chè, nương ngô, phát triển đàn gia súc, gia cầm, không những thế bà con còn được cán bộ ngân hàng đến tận nơi hướng dẫn cách quản lý, sử dụng vốn vay, đưa KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đời sống người dân ngày thêm khấm khá. Gia đình ông Vi Văn Thi thuộc diện hộ nghèo lâu năm ở bản Lòng Hồ. Năm 2011 ông được vay 30 triệu đồng để lựa thế đất đồi, khai hoang, đào mương dẫn nước ngọt về cùng mua giống mới, phân bón đầu tư trồng 2ha ngô lai, nên năng suất thu được hàng năm hơn 12 tấn hạt/ha.

Ông Thi cho biết: “Được vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi đã dồn hết vào trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, sau khi bán ngô, bán bò trả hết nợ lãi cho ngân hàng, trong nhà tôi hiện vẫn còn 5 con bò sinh sản và giàn máy xay xát lương thực. Đây là “của dự trữ” để gia đình tôi bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất theo mô hình trang trại VAC và vươn lên làm giàu ngay chính tại quê hương, bằng chính sức lao động của mình và sự hỗ trợ đắc lực của ngân hàng”.

Tương tự, gia đình chị Tòng Thị Tâm ở xã Chiềng Đen cũng nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng hộ nghèo để mua giống, phân bón và học hỏi kỹ thuật trồng mận. Sau 5 năm không những thoát cảnh nghèo mà chị Tâm còn dựng được một ngôi nhà sàn mới khang trang, đồng thời còn tích cóp được vài triệu đồng để gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng, khi nào gặp khó khăn hay cần phải đầu tư thêm cho ruộng đồng thì mới rút ra làm ăn.

Được biết, xã Chiềng Đen vốn nghèo khó trước kia giờ đã trở thành vùng trồng mận có tiếng của tỉnh Sơn La với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% của năm 2010 nay xuống còn 4% vào cuối năm 2014. Để có sự chuyển mình to lớn này, có phần đóng góp thiết thực của NHCSXH đã giúp các hộ dân của xã được vay vốn ưu đãi, trong đó hơn 600 gia đình vay vốn chính sách đầu tư thâm canh cây mận.

Hiện nay, NHCSXH huyện Mộc Châu đang tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm góp phần thúc đẩy thảo nguyên xanh Mộc Châu phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế để trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh miền núi Sơn La.

Bài và ảnh Đông Nguyễn

Một bình luận cho bài viết "Tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu"

  1. Lường Văn Duẩn Góp ý:

    Mình muốn vay 500tr

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác