Chuyển động mới về tín dụng chính sách ở Sơn La
Theo thống kê của UBND tỉnh Sơn La, năm qua, hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH tỉnh đã trải khắp tại 204 xã, phường, thị trấn, chính thức xóa tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước, tạo điều kiện thuận tiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng với mọi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt nguồn vốn ưu đãi cũng ưu tiên đầu tư cho 5 huyện nghèo là Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp thuộc chương trình 30a và các xã nằm trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… gần 900 tỷ đồng, chiếm 39% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Sơn La.
Thực tế cho thấy, trong 12 năm hoạt động, nguồn vốn chính sách đã tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc miền núi hàng năm trên 4%, đã xây dựng được 17 nghìn căn nhà ở vững chắc, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi yên tâm học tập, tạo điều kiện cho 6 nghìn hộ cận nghèo, 25 nghìn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư phát triển kinh tế, bước đầu xây dựng thành công các mô hình sản xuất hàng hóa như rau, quả sạch trên thảo nguyên Mộc Châu, cánh đồng lúa cao sản, ngô lai năng suất cao ở Yên Châu, Mai Sơn, hay đàn trâu, bò vùng cao Phù Yên, Bắc Yên… Đáng kể là từ tháng 5/2014 đến nay, thực hiện quy định mới của Nhà nước về nâng mức vay, hạ lãi suất đối với một số chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến tận cơ sở, tới từng đối tượng thụ hưởng, đồng thời tiếp nhận vốn từ Trung ương chuyển về, thẩm định hồ sơ của khách hàng, giải ngân nhanh gọn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Tòng Thị Tươi, cho biết: “Quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi chúng tôi có thuận lợi là đã xây dựng được một mạng lưới Điểm giao dịch phủ kín trên địa bàn miền núi rộng lớn và 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, tất cả đều được tập huấn công tác tín dụng chính sách tại thôn bản. Cùng với đó các tổ chức hội, đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác đã quen với quy trình, thủ tục vay vốn chính sách và phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi, nhanh chóng”.
Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, năm 2015, NHCSXH tỉnh Sơn La tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, tăng trưởng nguồn vốn cho vay, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình bình xét cho vay, đảm bảo công khai, dân chủ, phấn đấu phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng miền núi Tây Bắc.
Bài và ảnh Việt Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo nhờ tác động kép từ nội và ngoại lực
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Hội nghị giao ban công tác ủy thác năm 2014
- » Góp sức tạo bước đột phá về an sinh xã hội
- » Thung lũng Lạc Xuân trên cao nguyên vào xuân sớm
- » Niềm vui trước Tết ở một làng nghề
- » Sóc Trăng với nguồn vốn ưu đãi
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”
- » Giảm nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình