Thành công mới trong hoạt động tín dụng chính sách

28/07/2015
(VBSP News) Thời gian qua, cùng với cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các Sở, ban ngành, các hội, đoàn thể làm công tác uỷ thác đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH TP. Hà Nội bám sát Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm mục đích thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần xóa nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Khánh Phương

Tính đến 30/6/2015, nguồn vốn  tín dụng chính sách trên địa bàn thủ đô đạt 4.918 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 1.213 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng so với năm 2014 và là đơn vị có nguồn vốn ủy thác địa phương cao nhất toàn hệ thống NHCSXH; tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng tại NHCSXH TP. Hà Nội đạt 4.904 tỷ đồng với trên 300 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 366 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn vốn tăng trưởng này những được ưu tiên đầu tư vào một số chương trình tín dụng như: hộ cận nghèo đạt 200 tỷ đồng; chương trình NS&VSMTNT là 170 tỷ đồng.

Cùng với đó, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 5.000 lượt hộ nghèo có điều kiện chủ động phát triển sản xuất, thu hút, tạo việc làm trên 20.000 lao động và gần 6.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập

Đạt được thành tích đó, trước tiên là NHCSXH TP. Hà Nội đã bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phối hợp với các cấp chính quyền, Sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thực hiện tốt việc phân bổ vốn chính sách kịp thời, hợp lý, đồng thời đẩy mạnh lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình dự án khuyến nông, khuyến ngư… giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, ngay sau khi Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH thành phố nhanh chóng quán triệt nội dung của Chỉ thị tới toàn thể đảng viên, cán bộ từ chi nhánh đến tất cả các Phòng giao dịch quận, huyện, thị xã, để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể: đồng thời đã chủ động báo cáo, tham mưu cho Thành uỷ kịp thời đề ra Chỉ thị số 30/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo UBND các cấp bố trí chuyển vốn uỷ thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng như hỗ trợ phương tiện, kinh phí hoạt động, bố trí đất đai xây dựng trụ sở làm việc…

Từ quan điểm đổi mới về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành trên địa bàn TP. Hà Nội đã vào cuộc thật sự, tạo động lực cho NHCSXH hoạt động hiệu quả hơn. Nổi bật là công tác cho vay uỷ thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến 30/6/2015, dư nợ uỷ thác đạt 3.807 tỷ đồng với trên 205 nghìn hộ còn dư nợ tại 7.829 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trong đó, Hội Phụ nữ đạt 2.111 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ uỷ thác, với trên 111 nghìn hộ vay.

Theo lãnh đạo Hội Phụ nữ thành phố, để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn chính sách, các cấp hội đã thường xuyên tổ chức tập huấn công tác uỷ thác cho cán bộ hội cơ sở, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay ở cơ sở đôn đốc hội viên vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và nộp lãi, trả nợ đầy đủ theo quy định của ngân hàng.

Đơn cử ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chờ do Hội Phụ nữ xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức quản lý có 42 thành viên tham gia sinh hoạt thì tất cả được tiếp cận vay vốn thuận lợi của NHCSXH đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, trong đó năm 2014 có 9 hộ thoát nghèo, có hộ đã vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương 2 giỏi trong phong trào phụ nữ “Giỏi việc sản xuất, đảm đang việc nhà”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Sáu trước đây rất khó khăn, ruộng canh tác ít, chồng ốm đau liên miên, kinh tế có lúc gần như kiệt quệ nhưng từ khi được vay 30 triệu đồng ưu đãi của chương trình tín dụng hộ nghèo qua uỷ thác của Hội Phụ nữ nên chỉ sau 3 năm đã hoàn trả hết nợ vay ngân hàng và xây dựng được 3 gian nhà ở vững chắc.

Hay như gia đình chị Đào Thị Thắm đã ăn nên làm ra từ 20 triệu đồng vốn vay của NHCSXH. “Từ đồng vốn vay, tôi chủ động mua con giống tốt về chăn nuôi, cùng với đàn lợn được cho ăn đầy đủ, tiêm phòng định kỳ nên không để xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm nhà tôi đều tăng số lượng lợn nuôi, cuối năm ngoái xuất bán hơn 4 tấn lợn hơi đấy. Đúng là vay vốn chính sách thông qua Hội Phụ nữ xã làm uỷ thác đã thực sự giúp chị em nghèo khó chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, nhất là làm cho mọi thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong thôn xóm đoàn kết thương yêu giúp nhau phát triển kinh tế kết quả nhanh hơn”, chị Thắm tâm sự.

Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Nguyễn Kim Phung, cho biết: Việc thực hiện uỷ thác vay vốn ưu đãi qua các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn được duy trì hơn 12 năm qua đã làm tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian gần đây, cùng với cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các Sở, ban ngành, các hội đoàn thể làm công tác uỷ thác đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH bám sát Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm mục đích thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần xóa nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh Khánh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác