Yên Thành lại mong được “làm cha, làm mẹ”

05/08/2015
(VBSP News) Huyện Yên Thành (Nghệ An) là một trong hai huyện trọng điểm lúa lớn nhất của các tỉnh miền Trung. Điều đó đã được thể hiện qua một số câu ngạn ngữ tự hào của ông cha ta trong vùng từ xưa để lại: “Nghệ - Yên Thành, Thanh - Nông Cống”; “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi”, hay câu “Yên Thành là mẹ là cha/Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”... Tuy nhiên, sau gần 30 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước, Yên Thành không đủ tiềm lực vật chất “làm cha, làm mẹ” cho cộng đồng nghèo trong khu vực nữa. Vì sao?
Chị Trần Thị Phượng ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành đang chăm sóc mộc nhĩ được đầu tư từ nguồn vốn ưu đãi

Chị Trần Thị Phượng ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành đang chăm sóc mộc nhĩ được đầu tư từ nguồn vốn ưu đãi

Yên Thành là huyện sản xuất thuần nông kéo dài, ngành nghề phụ tiểu thủ công nghiệp thì hầu như không có, và nếu có thì chỉ là một số nghề đơn giản như nghề mộc, rèn dao, cuốc, xẻng, đúc lưỡi cày, làm chổi đót quét nhà, tơi, nón che mưa… chỉ đủ phục vụ trên địa bàn huyện mà thôi. Mạng lưới giao thông cho đến nay vẫn còn khập khễnh. Toàn huyện chỉ có một con đường tỉnh lộ đi qua, còn lại là các đường liên thôn, liên xã chật hẹp, quanh co, chất lương cấp 3, cấp 4 là chính. Mạch máu của nền kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, còn thua chị, kém em cho nên nền kinh tế thị trường chưa thực sự sôi động, chậm phát triển. GDP hàng năm chưa cao, chưa có sự bứt phá, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo (theo tiêu chí mới) còn ở mức tương đối cao, phổ biến là trên mức trung bình toàn tỉnh. Đời sống của nhân dân trong huyện (nhất là ở các xã miền núi) chậm được cải thiện, đổi mới… Đây là một gánh nặng về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, trong đó có NHCSXH huyện.

Sự chung tay vào công cuộc đổi mới từ những năm 90 trở lại đây là một bước ngoặt, niềm vui lớn hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một dấu ấn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành. Nội dung hoạt động hàng năm của NHCSXH huyện cũng được nhân dân trong huyện hết sức ủng hộ, quan tâm thi hành một cách triệt để. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay NHCSXH đã thực sự gắn bó với cộng đồng nghèo để thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận làm ủy thác vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, theo đó là sự ra đời, từng bước bổ sung nhân lực và quy chế hoạt động của HĐQT NHCSXH các cấp cũng được hoàn thiện. Chất lượng hoạt động được nâng cao. Hiệu quả đầu tư vốn giảm nghèo trên địa bàn Yên Thành đã thực sự góp phần làm sáng thêm bức tranh kinh tế của huyện.

Giám đốc NHCSXH huyện Yên Thành Phan Hữu Trang, cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các đơn vị ủy thác các cấp, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, chúng tôi đã khắc phục được những khó khăn, đưa ngân hàng từng bước phát triển, trở thành “bà đỡ” tin cậy của nhân dân trong huyện, Điểm giao dịch cố định tại xã đã quen thuộc của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt hơn 554 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,27%, với 25.945 hộ còn dư nợ. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, thực tế được chứng minh, từ năm 2005 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo thường chiếm tỷ lệ trên dưới 15% tổng số hộ thì đến cuối năm 2014 còn 6,3%.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo ở Yên Thành đã có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Thư ở xóm 8, xã Xuân Thành, chồng mất sớm, ba mẹ con nhỏ ở với nhau và được bình xét cho vào diện nghèo, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng mua bò và 32 triệu đồng vốn vay HSSV cho con gái Thái Thị Nhi đi học Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Hiện cháu đã tốt nghiệp ra trường, trong chuồng vẫn con 1 con bò cái sinh sản. Nợ vay ngân hàng đang được mẹ con chị Thư góp trả sớm. Còn ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành cũng có hai hộ vay tiêu biểu, là gương sáng trong cộng đồng nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ngân hàng làm ăn thành đạt. Đó là hộ Trần Văn Phiệt được vay 25 triệu đồng, nhờ biết cách sử dụng vốn, chăm chỉ làm ăn, nguồn thu nhập hàng năm đã tạo điều kiện cho gia đình trả hết nợ ngân hàng, theo đó là làm được ngôi nhà ở mới khang trang. Rồi hộ chị Trần Thị Phượng được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng vốn trong chương trình giải quyết việc làm. Chị Phượng đã dùng số tiền đó vào thực hiện dự án trồng nấm, mộc nhĩ. Thu nhập bình quân hàng ngày 30kg nấm tươi với giá bán 25.000 đồng/kg và 5kg mộc nhĩ, giá bán 100.000 đồng/kg, tạo công ăn việc làm ổn định cho cả các thành viên trong gia đình chị.

Trên đây là 3 trong số hàng hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi làm ăn thành đạt vượt qua nghèo khó. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề tạo nguồn thu lớn và ổn định ở Yên Thành đã và đang diễn ra trên diện rộng. Sức mạnh của cả cộng đồng đang được phát huy. Nhân dân Yên Thành lại đang mong đợi sớm được trở lại vai trò “là cha, là mẹ” cho khu vực miền Trung trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bài và ảnh Thiên Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác