Nguồn vốn ưu đãi góp phần tích cực giảm nghèo tại Quảng Nam
Hiệu quả tín dụng ưu đãi
Theo lời giới thiệu của NHCSXH tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Năm ở xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn. Trước đây gia đình chị thuộc diện nghèo trong huyện, cả nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, cuộc sống quanh năm túng quẫn. Sau khi được vay 30 triệu đồng hộ nghèo, chị đã đầu tư mô hình trồng chuối lên 2ha, tạo việc làm cho 5 lao động. Trung bình, mỗi năm trừ các chi phí còn lãi khoảng trăm triệu đồng. Từ chuyện lo chạy từng bữa, đến nay chị Năm được người dân trong vùng khâm phục gọi là… “triệu phú Năm chuối”!
Những trường hợp thoát nghèo bền vững, rồi vươn lên làm giàu từ nguồn vốn chính sách không phải là hiếm. Con số hộ nghèo giảm 2,5% - 3% mỗi năm có đóng góp không nhỏ từ đồng vốn từ NHCSXH tỉnh Quảng Nam… Để làm được điều này, NHCSXH từ tỉnh xuống đến huyện luôn tăng cường sự phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người dân sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả.
Trong đó, phải kể đến các mô hình cho vay đạt hiệu quả cao như: trồng cao su tiểu điền tại Hiệp Đức, cây keo tại Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn hay phát triển chăn nuôi tại Duy Xuyên, Điện Bàn…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Vũ Văn Thẩm, những thành công của chương trình cho người nghèo vay vốn chính là quản lý sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đồng vốn đến người nghèo đã phát huy hiệu quả, kịp thời giải quyết khó khăn về vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng đã giúp họ từ không có thu nhập đến có thu nhập, từ thu nhập ít đến thu nhập cao và vươn lên có tích luỹ rồi làm giàu chính đáng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dinh, cho biết: Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã tập trung vào những hoạt động trọng tâm là tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đến nay, tổng dư nợ đạt trên 3.300 tỷ đồng, với 14 chương trình tín dụng ưu đãi, cho hơn 152 nghìn khách hàng vay vốn. Hàng năm, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho gần 10 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn để sản xuất, kinh doanh; hơn 4.500 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất vay vốn để cho con đi học; hơn 2.000 lao động được giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp…
Hầu hết hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt, các hộ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, các huyện nghèo cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, được hướng dẫn sử dụng vốn, cách làm ăn hiệu quả…, giúp thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo cũng góp phần hạn chế tình trạng tái nghèo vì thiếu vốn sản xuất.
Tích cực cải cách thủ tục hành chính
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Quảng Nam, thông tin thêm, để hỗ trợ người dân vay vốn nhanh chóng và dễ dàng, những giải pháp cải cách thủ tục hành chính đã được chi nhánh đẩy mạnh triển khai. Năm 2012, NHCSXH ban hành văn bản hướng dẫn niêm yết công khai thủ tục giải quyết công việc, nội dung và địa chỉ tiếp nhận phản ánh khiếu nại. Ngày 26/5/2014, NHCSXH ban hành văn bản số 1564/HD-NHCS về hướng dẫn công tác kiểm soát thủ tục giải quyết công việc, trong đó quy định rõ về trình tự, thủ tục giải quyết công việc, công khai niêm yết các thủ tục giải quyết công việc, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định thủ tục giải quyết công việc. Việc niêm yết công khai các thủ tục vay vốn đã giúp hộ nghèo có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Mặc dù có được những kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại như nhiều phần mềm cải cách hành chính chưa được khai thác triệt để. Các đối tượng hộ vay vốn khi làm thủ tục chưa nghiên cứu kỹ các chính sách ưu đãi, quy định của Nhà nước, vì vậy, khi làm thủ tục vay vốn phải sửa lại nhiều lần, mất nhiều thời gian… Do đó, để giải quyết những hạn chế này, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục cải cách thủ tục theo hướng đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ thực hiện. Thủ tục hành chính phải phù hợp với mục tiêu quản lý của NHCSXH, đảm bảo quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính tại NHCSXH. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền cho người dân, đối tượng vay vốn và các tổ chức chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương hiểu và nắm vững các quy định, quy trình cho vay của NHCSXH để việc thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Đỗ Hùng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Động lực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu
- » Người nghèo ở Đam Rông vay vốn ưu đãi sử dụng hiệu quả
- » Từ nghèo khó thành chủ vườn hoa công nghệ cao
- » Thoát nghèo từ đồng vốn chính sách
- » Niềm vui của hộ mới thoát nghèo ở Hậu Giang
- » Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ những Khóa đào tạo do NHCSXH tổ chức
- » Thành công mới trong hoạt động tín dụng chính sách
- » Hà Tĩnh sẵn sàng trước mùa mưa lũ
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Gia Lai triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015