Hiệu quả tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào DTTS

07/08/2015
(VBSP News) Tính đến hết tháng 6/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đồng bào DTTS đạt gần 500 tỷ đồng.
Nguồn vốn ưu đãi giúp đồng bào DTTS ở Lâm Đồng có mùa màng bội thu Ảnh: Quốc Việt

Nguồn vốn ưu đãi giúp đồng bào DTTS ở Lâm Đồng có mùa màng bội thu
                                                                                                                                                                          Ảnh: Quốc Việt

Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã cho 3.390 lượt hộ vay (5 triệu đồng/hộ, lãi suất 0%, thời hạn 5 năm), với doanh số cho vay gần 17 tỷ đồng. Ngày 04/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Quyết định số 54 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS ĐBKK giai đoạn 2012 - 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 2426, phê duyệt kế hoạch và nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK giai đoạn 2013 - 2015. Với mức vay được điều chỉnh từ 5 triệu đồng/hộ lên 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,1%/tháng và thời hạn 5 năm đã tạo điều kiện cho 741 hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh ĐBKK của tỉnh được vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, có việc làm, ổn định sản xuất…, trong đó có 610 hộ mua được 610 con trâu bò, chăm sóc trên 50ha cà phê…

Việc hỗ trợ đồng bào DTTS ĐBKK bằng nguồn vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp cho thấy các hộ vay vốn có trách nhiệm hơn đối với việc sử dụng vốn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước. Ngay từ khi triển khai chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thông báo công khai ngay tại Điểm giao dịch các xã. Chi nhánh cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ toàn đơn vị, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện triển khai cho vay theo đúng quy trình nghiệp vụ; đồng thời, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn.

Trước ngày 26/6/2014, tỉnh Lâm Đồng có 110 xã thuộc vùng khó khăn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 1049 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, tỉnh Lâm Đồng giảm 37 xã, vì vậy các xã này không được thụ hưởng chính sách tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK nữa. Lâm Đồng hiện chỉ còn 73 xã thuộc vùng khó khăn.

Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên, cho biết: Trong chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK, NHCSXH chỉ cho vay các hộ có tên trong danh sách phê duyệt của UBND cấp huyện. Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,75%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo hộ đồng bào DTTS là 6,98%. Tính đến thời điểm này, nguồn vốn chương trình này chưa cho vay hết vì theo thống kê từ cơ sở, đối tượng hộ DTTS ĐBKK đến nay không còn. Hộ đồng bào DTTS thường thiếu kiến thức sản xuất kinh doanh, việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế, tư duy làm ăn đơn giản…, do đó hiệu quả sử dụng vốn chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, nên việc cho vay vốn lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm nhằm tuyên truyền KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi chưa mang lại hiệu quả.

Nên chăng, đối với chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS ĐBKK cần xem xét bổ sung đối tượng được thụ hưởng, chẳng hạn, chỉ cần là hộ DTTS ĐBKK, không hạn chế sống ở các vùng, xã nào…; đồng thời, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các ban, ngành có liên quan hướng dẫn hộ vay cách thức làm ăn, định hướng sản xuất, chuyển giao KHKT; phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn đầu tư khác để hộ vay tập trung phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Lê Hoa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác