Điển hình về uỷ thác vay vốn chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng

10/08/2015
(VBSP News) Trên cao nguyên Lâm Đồng ngày nay, Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) được biết đến là một điển hình trong việc phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện công tác uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Có vốn vay, nhiều hộ dân ở xã Liên Hiệp đầu tư vào trồng nấm

Có vốn vay, nhiều hộ dân ở xã Liên Hiệp đầu tư vào trồng nấm

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp Trịnh Thị Hồng, cho biết, từ nhận thức về hiệu quả quan trọng của nguồn vốn chính sách đối với việc hỗ trợ giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các chi hội phụ nữ ở từng thôn đã tham gia trực tiếp cùng Trưởng thôn và các tổ chức hội, đoàn thể khác, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành bình xét cho hội viên vay vốn đúng quy trình, đảm bảo sự công bằng, công khai. Ngoài nhiệm vụ cổ vũ chị em thi đua trao đổi học tập kinh nghiệm sử dụng vốn vay, lồng ghép đưa tiến bộ KHKT vào thâm canh ruộng lúa, đồi cà phê, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, các chi hội và các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý còn tăng cường đôn đốc hội viên trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đúng kỳ hạn, đầy đủ, nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của phụ nữ thôn An Hiệp rất thấp, chỉ ở mức 0,03%.

Theo sự hướng dẫn của Giám đốc NHCSXH huyện Đức TrọngVõ Văn Phúc, chúng tôi đến thăm gia đình chị Huỳnh Thị Nga thôn An Hiệp, xã Liên Hiệp. Cách đây không lâu, hoàn cảnh nhà chị rất nghèo; đất canh tác chẳng có nhiều, vợ chồng chị đành ngày ngày gồng sức ra làm thuê, cuốc mướn. Cuối năm 2008, thông qua uỷ thác từ Hội Phụ nữ, gia đình chị Nga được vay vốn ưu đãi hộ nghèo để nuôi lợn nái. Hơn một năm chăm sóc, phòng bệnh tốt, chị bán lứa lợn giống đầu tiên được ngót nghét 30 triệu đồng. Nhân đà ấy, vợ chồng chị Nga mạnh dạn mở rộng chuồng trại nuôi thêm lợn nái, lợn thịt và liên tiếp quay vòng vốn để đến giữa năm 2013, gia đình chấm dứt cảnh nghèo túng, đạt mức thu nhập bình quân tới 100 triệu đồng/năm, và còn dư tiền đầu tư trồng cà phê giống mới.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thiêng ở thôn bên cũng vậy, là hộ nghèo, tiền vốn không có nhưng cũng nhờ Hội Phụ nữ hướng dẫn vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mua bò gầy về vỗ béo. Từ đồng vốn ưu đãi tiếp sức kịp thời, cộng với bản tính cần cù lao động của chị, con bò béo khỏe nhanh, tạo ra một khoản tiền lãi kha khá để trả lãi cho ngân hàng, vừa để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi đàn lợn giống 8 con nữa. Chị Thiêng chia sẻ: “Nhờ số tiền vay của NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ xã, cuộc sống gia đình đã ổn định, có cơ hội thoát nghèo trong năm nay”.

Tính đến nay, Hội Phụ nữ xã Liên Hiệp đã thực hiện uỷ thác vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Đức Trọng trên 12 năm. Nguồn vốn vay ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước và cũng được quản lý, giám sát khá chặt chẽ. Với tổng dư nợ gần 6 tỷ đồng và 253 hộ hội viên thuộc 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn vay đã góp phần tích cực giúp 152 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 96 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Đặc biệt qua kiểm tra, 100% hội viên vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo nguồn thu đáng kể và không có lãi tồn đọng.

Bài và ảnh Hoàng Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác