Đổi thay vùng núi cao

05/06/2019
(VBSP News) Ba Bể là huyện miền núi cao của tỉnh Bắc Kạn, không chỉ có nhiều diện tích đất đồi rừng và đông đồng bào DTTS sinh sống, mà còn đứng đầu bảng danh sách về tỷ lệ hộ nghèo cùng số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn trên miền Tây Bắc bao la (với 56,8%/hộ nghèo và 15/15 xã đặc biệt khó khăn vào thời điểm năm 2010). Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi ở Ba Bể - 1 trong 64 huyện nghèo nhất nước nằm trong chương trình 30a của Chính phủ rất quan trọng.
Cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ dân

Cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ dân

Vượt lên mọi khó khăn, thách thức, những cán bộ trẻ tuổi làm công tác tín dụng chính sách vùng cao Ba Bể đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu kịp thời, minh bạch nguồn vốn ưu đãi, trong đó chú trọng ưu tiên đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Cùng với việc xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch phủ kín các xã, đảm bảo 3 đúng trong giao dịch với khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách (cho vay đúng người, đúng địa chỉ, đúng thời gian quy định), NHCSXH huyện Ba Bể thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể tập trung kiện toàn, củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thành mạng lưới chân rết vững chắc, đồng thời lựa chọn được đội ngũ Tổ trưởng, và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn có đủ năng lực, nhiệt tình quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như làm nhiệm vụ bình xét dân chủ, công khai cho người dân vay vốn và hướng dẫn họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả…

Đơn cử về Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Mon, một trong 5 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã Quảng Khê quản lý, có 51 thành viên tham gia sinh hoạt đã được vay vốn ưu đãi thuận lợi. Ông Triệu Đức Cảnh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết, nhờ gần 2 tỷ đồng vốn ưu đãi làm “bà đỡ mát tay” thôn Nà Mon đã phát triển đàn trâu bò lên 169 con. Một số tổ viên như anh Nông Quốc Tuyền, Triệu Văn Hoạt, bà Nông Thị Hoa… sử dụng vốn vay của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi trâu, bò sinh sản, trồng rừng keo thu lãi từ 80 -100 triệu đồng/năm, thoát hết nghèo, trả đủ vốn vay cho ngân hàng, kinh tế gia đình khấm khá hẳn.

Nổi bật trong cách thức quản lý nguồn vốn của NHCSXH Ba Bể là đẩy mạnh cho vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nên đã tạo điều kiện cho việc chuyển tải kịp thời, hiệu quả mọi đồng vốn đến đúng đối tượng. Điển hình Hội CCB đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, cử hầu hết chủ tịch hội cơ sở tham gia thành viên Ban giảm nghèo cấp xã. Cùng với đó, Hội CCB phối hợp nhịp nhàng với NHCSXH và chính quyền tại địa bàn tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên nghèo, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, cụ thể như hướng dẫn đôn đốc Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hợp đồng ủy thác vay vốn với NHCSXH, tổ chức họp định kỳ tiến hành bình xét công khai, dân chủ các gia đình có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn chính sách; đôn đốc, kiểm tra việc nộp lãi, trả nợ, tham gia gửi tiền tiết kiệm của hộ vay vốn. Tính đến tháng 5/2019, số tiền của NHCSXH ủy thác qua Hội CCB huyện Ba Bể đạt 42,7 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ ủy thác với 927 hộ vay; hầu hết Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là hội viên CCB đã thể hiện rõ sự nhiệt tình, trách nhiệm và biết cách quản lý điều hành, hướng dẫn thành viên trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế.

Liên tục 5 năm qua, tất cả 39 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB huyện Ba Bể quản lý đã không để xảy ra tình trạng chậm trả nợ, nộp lãi, góp phần cho toàn Hội đạt thành tích dẫn đầu về nâng cao chất lượng tín dụng trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn ưu đãi ở vùng núi cao Ba Bể.

Nhiều hội viên đã sử dụng vốn vay phát triển sản xuất, xây dựng mô hình vườn đồi, vườn rừng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt năng suất cao, thu nhập tăng, đời sống cải thiện. Tiêu biểu có CCB Trần Văn Vụ xã Hà Hiện đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi tới 3 lần tổng cộng hơn 100 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế VACR (vườn ao, chuồng, rừng)

“Hồi đầu gia đình tôi sử dụng vốn vay đầu tư nuôi trâu sinh sản đến khi có thu nhập, trả nợ gốc, được NHCSXH giải quyết vay tiếp để làm chuồng trại nuôi lợn giống, vịt đẻ trứng kết hợp với trồng đỗ tương ở đồi dốc. Tết Kỷ Hợi vừa qua, mọi người trong nhà rất vui bởi không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa và làm mới ngôi nhà sàn 4 gian”, ông Vụ chia sẻ.

Còn đối với gia đình ông Dương Văn Phong ở xã Cao Trĩ sử dụng vốn vay ưu đãi nuôi trâu sinh sản và chăm sóc đàn gà đồi. Số tiền bán các loại con vật nuôi này đã giúp gia đình ông Phong trả được toàn bộ nợ, lãi cho mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng: ‘Hiện gia đình vừa được vay tiếp 50 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo để mở rộng cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại”, ông Phong phấn khởi nói.

Cùng với các chương trình, dự án, nguồn lực khác, nguồn vốn của NHCSXH được đánh giá là công cụ đắc lực, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi cao Ba Bể. Theo thống kê của UBND huyện Ba Bể, bằng những chính sách, chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, trong đó có 286 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm rõ rệt. Từ con số trên 56% (năm 2010) nay tỷ lệ giảm xuống còn 29,7%.

Để tham gia trực tiếp thực hiện mục tiêu giảm thêm 5% hộ nghèo ở vùng cao Ba Bể vào năm 2020, NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể và rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, giải ngân kịp thời thuận tiện các chương trình tín dụng ưu đãi, phấn đấu tăng trưởng dư nợ, nâng mức cho vay giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm; đặc biệt đổi mới phương thức cho vay, tạo điều kiện thuận tiện nhất giúp hộ nghèo gia đình đồng bào DTTS có vốn ưu đãi, kịp thời chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng chính sức lao động ngay trên miền núi cao phía tây bắc tỉnh Bắc Kạn

Bài và ảnh Đông Nguyễn

Các tin bài khác